Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 9/4 cho biết nước này đang cân nhắc bổ sung thêm hàng hóa vào danh sách chịu thuế trả đũa để tăng sức ép lên Mỹ, buộc nước này hủy bỏ thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, Canada đã đáp trả Mỹ bằng việc áp thuế trả đũa lên số hàng hóa trị giá 16,6 tỷ đôla Canada (12,5 tỷ USD) của Mỹ, trong đó có nước cam, nước xốt cà chua và rượu whisky ngô, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 8/4, Đại sứ Canada tại Mỹ, David MacNaughton cho biết một số lượng đáng kể hàng nông sản của Mỹ như táo, thịt lợn và rượu vang có thể được bổ sung vào danh sách chịu thuế trả đũa.
Tuy nhiên, ông nói động thái này không nên hiểu là sự leo thang căng thẳng thương mại mà là để bù vào phần thiếu hụt, khi Canada bãi bỏ thuế đối với số hàng hóa trị giá trên 285 triệu đôla Canada từ Mỹ.
Tháng trước, bà Freeland cho biết Canada sẽ không phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ phiên bản 2.0 với Mỹ và Mexico cho đến khi thuế nhập khẩu mà Mỹ đánh vào nhôm và thép được dỡ bỏ bởi điều này là trái quy định và không công bằng.
Cũng liên quan đến quan hệ thương mại giữa Canada và Mỹ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/4 đã ra phán quyết ủng hộ một phần đối với Canada trong tranh cãi với Mỹ về thuế chống bán phá giá áp lên gỗ mềm xẻ nhập khẩu.
Một ủy ban của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO đã ra phán quyết rằng trong phương pháp tính thuế, Mỹ đã hành động mâu thuẫn với thỏa thuận quốc tế về chống bán phá giá.
Theo phán quyết, ban giải quyết tranh chấp WTO đã đồng ý với Canada rằng với việc Mỹ sử dụng phương pháp tính thuế hiện nay là "hành động không nhất quán" với một thỏa thuận quốc tế về chống bán phá giá.
Tuy nhiên, phán quyết bác bỏ một số lập luận khác của Canada, trong đó có cáo buộc cách tính biên độ phá giá bằng phương pháp "zeroing" (quy về O) của Mỹ vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Thay vào đó, phán quyết nhất trí với Mỹ rằng phép tính này được phép sử dụng trong trường hợp có nghi ngờ về hành động bán phá giá.
Công thức "zeroing" là phương pháp gây tranh cãi nhất trong thực tiễn áp dụng biện pháp chống bán phá giá trên thế giới, đặc biệt là Mỹ - quốc gia thường xuyên sử dụng phương pháp này khi tính toán biên độ phá giá.
Cách tính này được cho là gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu do đẩy thuế nhập khẩu hàng hóa lên cao hơn. Canada và Mỹ sẽ có 60 ngày để kháng cáo.
Hai nước bất đồng về gỗ xẻ mềm trong hơn ba thập niên và Canada đã khởi kiện Mỹ lên WTO vào tháng 11/2017, sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế hơn 18% lên sản phẩm nhập khẩu này.
Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người lao động Canada làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% số gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ./.
Nguồn: Mạnh Tiến, Bộ TTTT