Tin tức

Ngày 22/3, tại Lạng Sơn, đã diễn ra chương trình Hội đàm đầu xuân năm 2019 và Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Công tác liên hợp giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm thảo luận các biện pháp mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hợp tác đa dạng, thực chất

Báo cáo kết quả thực hiện nội dung Biên bản Hội đàm Đầu xuân năm 2018 giữa Bí thư 4 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam và Bí thư Khu uỷ Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, bà Lâm Thị Phương Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, đến nay, hai bên đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các nhận thức chung đã đạt được tại Chương trình Hội đàm đầu xuân 2018 và đã đạt được một số kết quả nhất định, hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai bên ngày càng toàn diện và đi vào thực chất, từng bước mang lại lợi ích thiết thực.

mo rong hop tac 4 tinh bien gioi viet nam voi quang tay

Điển hình, về tăng cường kết nối giao thông, tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây đã phối hợp triển khai xây dựng, đấu nối giao thông đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài. Hiện hai bên đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát về việc mở tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Vài mốc 1101 - 1102… Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án xây dựng mới tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo quy hoạch về giao thông vận tải đường sắt của Việt Nam.

Về tăng cường hợp tác mở, nâng cấp cửa khẩu, cặp chợ biên giới, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) năm 2018. Tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Bình Nghi để đáp ứng các yêu cầu, chuẩn bị các điều kiện nâng cấp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi Quan trong thời gian tới. Đã hoàn thiện thủ tục nội bộ nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu thành cửa khẩu quốc tế, cặp cửa khẩu Lý Vạn - Thạc Long thành cửa khẩu chính (song phương)…

Đặc biệt, về khởi động công tác thí điểm tiện lợi hóa thông quan, đã thực hiện kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và Móng Cái - Đông Hưng, linh hoạt thực hiện kéo dài thời gian thông quan tại một số cặp cửa khẩu khi có lượng hàng hóa lớn lưu thông qua lại. Tiểu ban công tác cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Văn phòng cửa khẩu Quảng Tây tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy áp dụng thí điểm hình thức thông quan mới “Một cửa, một điểm dừng” tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan theo sự chỉ đạo của Ủy ban hợp tác cửa khẩu hai nước Việt - Trung.

mo rong hop tac 4 tinh bien gioi viet nam voi quang tay
Bà Lâm Thị Phương Thanh (ở giữa) - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn điều hành Hội đàm

Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng Việt Nam cũng đã triển khai, vận hành thông suốt thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS, tiếp nhận đăng ký hồ sơ hải quan cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống hải quan điện tử đã rút ngắn thời gian đăng ký tờ khai, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa.

Các cơ quan chức năng quản lý cửa khẩu, quản lý thương mại biên giới duy trì thường xuyên hoạt động gặp gỡ, hội đàm trao đổi thông tin và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại của hai bên, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, 4 tỉnh của Việt Nam và Quảng Tây đã tích cực đề nghị các bộ, ngành Trung ương hai bên sớm trình Chính phủ hai nước phê chuẩn “Đề án tổng thể chung xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung”, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, hội đàm để trao đổi thông tin và thúc đẩy việc triển khai xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Hai bên cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện, hàng hóa tham gia hoạt động xuất nhập khẩu biên giới; phối hợp quản lý chặt chẽ các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả; tích cực đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới…

Tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, trong thời gian qua với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về mặt kinh tế, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.

mo rong hop tac 4 tinh bien gioi viet nam voi quang tay
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)

Cùng với đà phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Quảng Tây tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng. Quảng Tây nhiều năm liên tục là một trong những tỉnh của Trung Quốc đi đầu về hợp tác thương mại với Việt Nam, hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, văn hoá, giáo dục, giao lưu nhân dân… đạt nhiều tiến triển; hợp tác giữ gìn hòa bình ổn định và trật tự trị an đường biên giới trên đất liền giữa hai bên được triển khai hiệu quả.

Ông Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng phát huy truyền thống hữu nghị và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng. Trong các chuyến thăm tiếp xúc cấp cao và các phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các bộ, ngành chủ quản của hai nước đã tích cực trao đổi và nhất trí tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho quan hệ hợp tác giữa các địa phương biên giới, thúc đẩy các lĩnh vưc hợp tác kinh tế, thương mại phát triển ổn định, cân bằng.

Bà Lâm Thị Phương Thanh cho rằng, những kết quả đạt được trong giao lưu, hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hợp tác của mỗi bên. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng công trình giao thông, cơ sở hạ tầng cửa khẩu; mở, nâng cấp cửa khẩu, mở mới lối mở, cặp chợ biên giới...; ổn định, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa; nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử biên giới; phối hợp cùng tìm giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để các hoạt động buôn lậu, tội phạm và xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho hay, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã đi vào thực chất, có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả rõ rệt. Tỉnh Cao Bằng cũng đã tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực với tỉnh Quảng Tây như hoạt động đối ngoại giữa hai bên đã được tăng cường nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây; phát triển kinh tế biên mậu, biên giới đã được hai bên phối hợp tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi các hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới.

Trên cơ sở hợp tác đó, ông Lại Xuân Môn kiến nghị, trong thời gian, cần tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới. Đồng thời, tạo cơ chế hợp tác rộng mở, đẩy mạnh các chương trình cải cách trong lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; gia tăng thông tin giữa các bên. Ưu tiên đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm đối với những cặp cửa khẩu có lợi thế; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng các cặp cửa khẩu, lối mở để tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế biên mậu.

Về phía Trung Quốc, ông Lộc Tâm Xá, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) khẳng định,Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời. Trong đó, tỉnh Quảng Tây và 4 tỉnh biên giới Việt Nam đã cố gắng thực hiện những nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được. Theo đó, hợp tác kinh tế thương mại giàu thành quả. Năm ngoái, mức mậu dịch biên giới giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt tới 24 tỷ 735 triệu USD. Bên cạnh đó, hợp tác trong nhiều lĩnh vực giao thông, tài chính tiền tệ, du lịch, lao động khu vực biên giới, thuận lợi hóa thông quan… cũng phát triển nhanh chóng.

“Trong thời gian tới, hai bên cần phát huy tốt thế mạnh của nhau và mở rộng hơn nữa xuất nhập khẩu sản phẩm. Phía Quảng Tây sẽ tiếp tục cùng các tỉnh biên giới Việt Nam tăng cường trao đổi, kết nối, giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình hợp tác” - ông Lộc Tâm Xá nói.

Anh Tuấn,Văn phòng BCĐLNKT