Tin tức

Kể từ khi thỏa thuận tháng 7/2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker về việc bắt đầu đàm phán thương mại, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom đã gặp nhau 5 lần và lần gần đây nhất vào ngày 6/3 vừa qua. Hai bên đã không đạt thỏa thuận về nội dung cần đàm phán. Liên minh châu Âu muốn chỉ thảo luận về thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nới lỏng đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật; còn Mỹ khẳng định rằng, nông nghiệp phải nằm trong chương trình nghị sự.

Ngoài việc thiếu một chương trình nghị sự được thống nhất và đặc biệt là những khó khăn trong việc xử lý các vấn đề nông nghiệp, sự khác biệt giữa Mỹ và EU về quy trình quản trị và cách tiếp cận thương mại khiến cho tiến trình đàm phán thương mại trở nên khó khăn. Trong khi đó, thời hạn không còn nhiều vì Tổng thống Trump đặt thời hạn đến ngày 18/5 để áp đặt thuế quan có thể ở mức 25% đối với hàng nhập khẩu xe hơi và phụ tùng xe hơi của Mỹ. Một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 18/2, được cho là ủng hộ quan điểm nhập khẩu ôtô đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. EU đã phản đối việc đàm phán trong bối cảnh mối đe dọa về thuế quan, đã tuyên bố sẽ trả đũa và chấm dứt tất cả các cuộc đàm phán nếu Mỹ áp dụng thuế quan. Có thể khi càng tiệm cận gần ngày 18/5, tình hình càng trở nên phức tạp và căng thẳng.

dam phan thuong mai my va eu van con nhieu khac biet
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker

Bất chấp các lĩnh vực có lợi ích chung như đối phó với các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc và lợi ích chung của việc loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, có rất nhiều bất bình liên quan đến thương mại giữa Mỹ và EU. Chính những bất bình này đã có xu hướng chi phối các cuộc thảo luận, làm cho cuộc đàm phán trở nên khó khăn. Có thể thấy rõ nhất trong những bất bình này là khiếu nại của Tổng thống Trump về tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ đối với EU. Năm 2017, Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 151 tỷ USD, bù đắp bằng thặng dư thương mại dịch vụ 50 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ khoảng 101 tỷ USD, trong đó Mỹ thâm hụt ô tô và phụ tùng xe hơi khoảng 41 tỷ USD.

Rõ ràng, một mục tiêu của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới nếu không loại bỏ hoàn toàn thì chí ít cũng phải giảm mạnh mức thâm hụt này. Nhưng EU không thể một mình thỏa mãn mục tiêu của Washington. Họ có thể đồng ý cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, nhưng quyết định mua hàng hóa của Mỹ nằm ở rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu. Về cơ bản, EU không có khả năng hứa hẹn bất cứ điều gì tương tự như cam kết của Trung Quốc đối với việc mua 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 6 năm tới. Quan trọng hơn là EU nhấn mạnh vào việc loại trừ nông nghiệp khỏi các cuộc đàm phán. Việc đưa nông nghiệp vào đàm phán sẽ mở ra một loạt các vấn đề gây tranh cãi và nhạy cảm, bao gồm lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm của Mỹ có chứa các sinh vật biến đổi gen (GMO), gà làm sạch bằng clo và thịt bò được tăng cường hormone; trợ cấp nông nghiệp trong Chính sách nông nghiệp chung của EU (CAP); mua sắm chính phủ và hệ thống chỉ dẫn địa lý, trong đó hạn chế sử dụng các thuật ngữ phổ biến như phô-mai feta hoặc rượu sâm banh cho các nhà sản xuất ở khu vực châu Âu.

Điều gây tranh cãi khác là Mỹ mong muốn có một cơ chế để đảm bảo tính minh bạch và có hành động phù hợp nếu EU đàm phán hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế phi thị trường. Ngoài ra, hai bất đồng phi thương mại khác có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán và cuối cùng sẽ là quá trình phê chuẩn, đó là Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính thức được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran; và Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Quan trọng không kém trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU là sự khác biệt cơ bản trong quản trị và cách tiếp cận thương mại sẽ gây khó khăn cho việc khắc phục những bất đồng thực chất. Với cấu trúc chính trị hiện nay của EU, các quyết định quan trọng đều phải được thông qua các cuộc đàm phán liên chính phủ, do đó đều rất rườm rà và tốn thời gian. Bên cạnh đó, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Pháp và Bỉ đã bày tỏ sự thận trọng trước cuộc bầu cử quốc hội quan trọng của châu Âu từ ngày 23-26/5.

Trong khi đó, hạn chót ngày 18/5 để Tổng thống Donald Trump áp thuế quan trên xe hơi và các bộ phận xe hơi đang hiện hữu. Quan trọng hơn áp lực thời gian là tính không linh hoạt của quy trình EU: Khi được phê duyệt, các nhiệm vụ cho phép Cao ủy Thương mại Malmstrôm tham gia đàm phán với Mỹ chỉ trong hai vấn đề là giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và giảm bớt đánh giá sự phù hợp. Nếu Mỹ khăng khăng bao gồm nông nghiệp trong chương trình nghị sự đàm phán, thì có thể sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào. Ngay cả khi EU muốn đáp ứng nhu cầu của Mỹ, họ vẫn phải trải qua toàn bộ quá trình một lần nữa nhưng với sự bất đồng nhiều hơn giữa các thành viên EU, khiến cử tri của họ phản đối mạnh mẽ trước những thay đổi trong chính sách nông nghiệp. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cách tiếp cận thương mại của EU là chỉ đồng ý về các quy tắc cơ chế giải quyết tranh chấp và để các doanh nghiệp khu vực tư nhân và người tiêu dùng tự đưa ra quyết định thương mại, về cơ bản là hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên quy tắc của WTO.

Như vậy, có thể nói, ngay cả trước khi chính thức bắt đầu, cuộc đàm phán thương mại Mỹ-EU đã gặp một rào cản đối với chương trình nghị sự. Hiện tại, có vẻ như không có khả năng Mỹ sẽ đồng ý chỉ thảo luận về hàng hóa công nghiệp hoặc EU đồng ý bao gồm nông nghiệp. Và ngay cả khi kịch bản thứ hai trở thành hiện thực, sẽ cần có thời gian để EU phê duyệt các nhiệm vụ mới và nhiều thời gian cũng như nỗ lực hơn để đàm phán các vấn đề nông nghiệp với Mỹ.

Các diễn biến cũng cho thấy, nhiều nước EU không muốn tham gia quỹ đạo của Mỹ trong nhiều vấn đề như trừng phạt Iran, thỏa thuận khí hậu Paris, quan điểm đối với tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc)... Và những tồn tại, khúc mắc này đang thực sự là thách thức đối với quan hệ truyền thống Mỹ - EU.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT