Tin tức

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đem lại phúc lợi tương ứng với 3,2 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2020. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của hiệp định này các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng, phát huy nội lực, đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường EU trong xuất khẩu hàng hóa.    

EVFTA cơ hội lớn cho xuất khẩu nông thủy sản

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) - xét về tổng thể, thực thi EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng thêm hơn 44% vào năm 2030; giúp GDP của Việt Nam tăng từ 7,07- 7,72% trong giai đoạn 2029 - 2033.

doanh nghiep can phat huy noi luc va tam the san sang don nhan evfta

Nông sản sẽ rộng đường vào thị trường EU nhờ EVFTA

Các ngành sản xuất hàng hóa, thực phẩm chế biến, đặc biệt là thủy sản, cùng với gạo, rau củ, trái cây… đều có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu. EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông, thủy sản.

Trong dự báo của các tỉnh thành vùng ĐBSCL đến năm 2025, toàn vùng sẽ tăng hơn 40% giá trị xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL cũng sẽ tăng ở mức tương ứng như vậy. DN sẽ phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy mô năng lực sản xuất để đáp ứng thị trường này.

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, EU là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 300 triệu USD. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2018 ba thị trường xuất khẩu cá tra phi lê lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ và EU. Song từ đầu năm 2019 đến nay, EU đã vươn lên vị trí thị trường lớn thứ hai, vượt qua Mỹ.

EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0%, các DN Việt Nam còn tránh được cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan. Năng lực tiếp cận thị trường châu Âu của DN Việt Nam trong thời gian tới, sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực sẽ càng được chứng minh.

Cần nỗ lực từ chính DN

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp - cho biết, với quy mô của các DN Việt Nam hiện nay, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính các DN đang tham gia vào thị trường. Ngoài việc đảm bảo các yêu cầu chung của nước nhập khẩu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ, bảo hộ lao động… các DN cần lưu ý vấn đề về sở hữu trí tuệ trong cam kết của hiệp định. Đó là các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với Hiệp định Thương mại thế giới (WTO).

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là các DN nên hạn chế, hoặc không sản xuất các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, như các sản phẩm có bao bì nhựa khó phân hủy, đồ hộp… Bởi lẽ, người tiêu dùng EU hiện rất quan tâm đến vấn đề này. Họ sẵn sàng “tẩy chay” các sản phẩm có thể gây hại đến môi trường sống hay kém thân thiện đến môi trường.

Theo bà Trần Xuân Trang - Trưởng phòng Huấn luyện của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh - các DN nông sản muốn đưa sản phẩm vào thị trường EU thì nên đi theo hướng sản xuất các sản phẩm chế biến. Bởi lẽ, Việt Nam không có lợi thế về địa lý trong vận chuyển nông sản tươi vào thị trường này so với các nước khác, nhất là các nước ở khu vực Bắc Phi. Trong khi việc sản xuất nông sản chế biến lại đang được Chính phủ khuyến khích các DN ưu tiên đầu tư hiện nay. Các DN cần nghiên cứu, tìm hiểu kĩ khẩu vị, xu hướng tiêu dùng hiện nay của người dân các nước EU để thâm nhập thị trường tốt hơn. Nhất là trong bối cảnh một số quốc gia có quy định hạn chế sử dụng hàm lượng đường trong các sản phẩm nông sản chế biến.

Ngoài ra, việc xây dựng sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU, nhất là Tây Âu về an toàn thực phẩm, bao bì, thương hiệu, tiếp cận marketing, xuất xứ nguồn gốc; cách tạo dựng chiến lược, nguồn lực DN phù hợp để có thể vạch định chính xác lộ trình phát triển của riêng từng sản phẩm, dịch vụ tại thị trường EU… cũng cần được chú trọng nhằm giúp DN có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường và hướng đi của DN trong thời gian tới.

Ở tầm vĩ mô, để ứng phó với tình trạng các quốc gia tăng cường dựng các hàng rào bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng hài hòa hóa các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, bộ này cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Thanh Tùng, Moit