Tin tức

(Chinhphu.vn) - Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên cần phải có những cải cách đi kèm nhằm đảm bảo hiện thực hóa những lợi ích này và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh TTXVN

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nhấn mạnh điều này trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ về những thách thức đối với Việt Nam khi EVFTA and IPA có hiệu lực.

Xin ông cho biết những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hai Hiệp định này được thực thi?

Ông Ousmane Dione: Hai Hiệp định này vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức dành cho Việt Nam. Sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam vì những Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá. 

Những cam kết trong Hiệp định không chỉ nhằm giảm thuế mà còn liên quan tới các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo.

Nhưng những cơ hội này cũng mang tới thách thức. Đầu tiên và quan trọng nhất, Việt Nam sẽ phải tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng những lợi ích của Hiệp định này và chịu được sự cạnh tranh gia tăng ở thị trường nội địa trong một số lĩnh vực nhất định.

Hai là, trong một số lĩnh vực nhất định sẽ có những quy định về xuất xứ nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị. Ví dụ như việc sản xuất may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu thô và sẽ phải tái cấu trúc nguồn cung ứng đầu vào để tuân theo các quy định về xuất xứ.

Cuối cùng là trong khi việc giảm thuế tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, việc này cũng đồng thời giảm nguồn thu của Chính phủ và do đó Việt Nam cần phải huy động các nguồn tài chính công thay thế cho phát triển.

Nhìn chung thì những Hiệp định này được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tuy nhiên cần phải có những cải cách đi kèm nhằm đảm bảo hiện thực hóa những lợi ích này và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.  

Ông có thể đưa ra một vài khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam để vượt qua những thử thách và tận dụng lợi thế mà hai Hiệp định này mang lại?

Ông Ousmane Dione: Ưu tiên hàng đầu là phải thực thi tất cả các cam kết của hai Hiệp định này, đặc biệt là cam kết phi thuế quan. Điều này đỏi hỏi những cải cách sâu rộng hơn. Chẳng hạn như Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư mạnh mẽ nhằm hạn chế rủi ro gắn với tranh chấp và nợ tiềm ẩn.

Hai là, cần phải thực hiện những cải cách để thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để tăng cường môi trường pháp lý, đặc biệt liên quan tới các chính sách thuận lợi hóa thương mại nhằm giảm các rào cản phi thuế quan và giảm chi phí thương mại và hậu cần (hiện đại hóa hải quan, đơn giản hóa và minh bạch các biện pháp phi thuế quan và áp dụng cơ chế một cửa quốc gia).

Có rất nhiều cải cách đi kèm cần phải được thực hiện. Lấy ví dụ như EVFTA làm giảm các rào cản cho việc xuất khẩu thực phẩm sang thị trường EU nhưng các nhà xuất khẩu sẽ phải tuân theo các yêu cầu về an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt và hướng theo sở thích tinh tế của người tiêu dùng tại những thị trường này, trong đó có thực phẩm hữu cơ.

Cảm ơn ông!

Thùy Dung