EVFTA không chỉ nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu mà còn tạo điều kiện giúp Việt Nam hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là Hiệp định IPA, đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Dự kiến hai bên sẽ ký kết đồng thời cả hai Hiệp định này vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như những thách thức từ các Hiệp định này đặt ra đối với Việt Nam, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh.
PV: Thưa Bộ Trưởng, khi EVFTA, IPA được ký kết và thông qua sẽ đem lại những lợi ích cụ thể gì cho cả Việt Nam và EU?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA đòi hỏi rất cao những yêu cầu về mở cửa thị trường dành cho nhau. Đối với Việt Nam sẽ được hưởng việc cắt giảm hàng rào thuế quan của EU gần như 100% các dòng thuế trong vòng 7 năm ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Đây là một hiệp định rất toàn diện và trải rộng trong tất cả các lĩnh vực đi kèm cả về thương mại, dịch vụ, hàng hóa, đầu tư, các điều kiện ưu đãi, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… không chỉ nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước trong EU, mà còn có những điều kiện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành những chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu sẽ trở thành những mối quan hệ rất căn bản, rất quan trọng trong chiến lược phát triển của cả hai bên.
Cùng với hiệp định thương mại tự do EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được ký kết sẽ giúp vị thế của Việt Nam được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp rất to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa, theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.
PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những cơ hội dành cho doanh nghiệp EU tại thị trường Việt Nam khi EVFTA được ký kết và thông qua?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cả EVFTA và EVIPA sẽ được ký kết đồng thời vào ngày 29/6. Nếu được phê chuẩn, môi trường đầu tư và những điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất đáng kể. Hàng loạt những vấn đề lớn liên quan đến bảo hộ đầu tư, giải quyết các tranh chấp đầu tư sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện dựa trên luật pháp quốc tế, phù hợp với luật pháp của Việt Nam cũng như của châu Âu.
Cộng đồng của doanh nghiệp châu Âu và thế giới sẽ có những cơ chế và điều khoản để bảo hộ, bảo vệ lợi ích đầu tư, chưa kể đến môi trường đầu tư thông qua các cơ chế và pháp luật, điều hành của Chính phủ trong quản lý nhà nước ở Việt Nam sẽ được cải thiện cơ bản.
Với những thuận lợi như vậy, các nhà đầu tư châu Âu sẽ có rất nhiều điều kiện để tiếp tục đầu tư, tham gia phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tương đối ở Việt Nam hiện nay cũng như có các tiềm năng phát triển trong tương lai.
Điều quan trọng hơn nữa đó là bên cạnh hiệp định EVFTA, Việt Nam đã có hàng loạt các hiệp định liên kết và kết nối liên thông với các thị trường khác như CPTPP, ASEAN với các đối tác… Do đó, các nhà đầu tư châu Âu sẽ có điều kiện tiếp cận không chỉ với 100 triệu dân ở thị trường Việt Nam mà còn có thêm 660 triệu dân ở thị trường khu vực ASEAN và còn rất nhiều quốc gia đối tác khác.
PV: Bộ trưởng có thể cho biết đâu là thách thức lớn nhất đòi hỏi sự nỗ lực từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khi EVFTA được kí kết và phê chuẩn?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi muốn nhấn mạnh đến những khó khăn thách thức đặt ra cho cho nền kinh tế, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Khi đó phải có vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của các cấp chính quyền và hệ thống chính trị, để trong khuôn khổ phù hợp với các cam kết hội nhập, Việt Nam có thể hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt lên trên những khó khăn đó.
Ví dụ như về cạnh tranh, Việt Nam mở cửa thị trường trong nước cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các nước thì bắt buộc phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt. Khó khăn cho cộng đồng của doanh nghiệp vốn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế về quy mô, về nguồn lực, về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực…
Chính vì vậy, cách vận dụng và cách tổ chức như thế nào để đảm bảo các ngành kinh tế, các doanh nghiệp và các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam sẽ vượt lên được những khó khăn này và để có được sức cạnh tranh cao hơn, để phát triển bền vững… đó là những đòi hỏi và đồng thời cũng là những yêu cầu đặt ra trong những chương trình hành động mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.
PV: Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại sẽ có những hỗ trợ gì để doanh nghiệp có thể tận dụng được các cam kết từ các Hiệp định?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian tới đây, việc đầu tiên là sẽ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, bao gồm những trụ cột chính.
Một là, cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến để cho tất cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị nắm bắt đầy đủ, toàn diện, kịp thời tất cả những nội dung của Hiệp định cũng như những cam kết của Việt Nam. Trong đó sẽ phải tập trung vào làm rõ cho bộ máy quản lý cũng như người dân và doanh nghiệp hiểu về những yêu cầu, những nhiệm vụ gắn với thách thức và cả cơ hội đặt ra cho Việt nam.
Hai là, tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với các cam kết ký kết trong Hiệp định thương mại này.
Ba là, với trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành việc tổ chức thực hiện các cam kết hội nhập không chỉ dừng lại ở hệ thống pháp luật mà còn trong quá trình điều hành và quản trị về kinh tế.
Cụ thể là kế hoạch tổ chức tái cơ cấu các ngành kinh tế và nâng cao hơn nữa hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như tiếp tục thực hiện những cải cách, để đảm bảo cho môi trường đầu tư, kinh doanh và các hoạt động quản lý nhà nước phải gắn chặt với những nội dung của cam kết và hướng vào việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để khai thác được những cơ hội này.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi!./.
Mạnh Tiến, Bộ TTTT