Tin tức

Năm 2019 đang mở ra khá nhiều cơ hội tốt đẹp từ bên ngoài cho các doanh nghiệp, nhưng biến thành lợi ích thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Không có bữa trưa miễn phí (No free lunch) luôn đúng và đặc biệt đúng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hội nhập - những cơ hội rộng mở

Năm 2018 là một năm mang lại khá nhiều cảm xúc khác nhau về tác động của bên ngoài tới kinh tế Việt Nam. Những tín hiệu khả quan đánh dấu bằng sự kiện Quốc hội quyết định thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11 và Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn hiệp định này. Năm 2018 cũng là năm đầy bất an khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc liên tục gia tăng; thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ; biến động địa chính trị phức tạp ở nhiều khu vực và xu hướng bảo hộ thương mại trở nên rõ nét hơn ở nhiều quốc gia phát triển.

Những sự kiện của năm 2018 sẽ tiếp tục là những chủ đề cần quan tâm trong năm 2019. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào 14/1/2019. Đàm phán giải quyết cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang chờ đợi kết quả. Brexit, nếu không có gì thay đổi, sẽ chính thức vào 31/3/2019, nước Anh không còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU)... 
Những yếu tố trên được dự báo sẽ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư và tăng trưởng chung toàn cầu, ảnh hưởng gián tiếp tới các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
 

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó 11 hiệp định có hiệu lực, chưa tính đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau một thời gian khá dài được thông báo là đã kết thúc đàm phán (cuối năm 2015), kỳ vọng EVFTA sẽ được Quốc hội của cả hai bên thông qua.

So với các nước thuộc ASEAN, Việt Nam không phải là nước có nhiều FTA, nhưng với hai hiệp định thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, tiến trình mở cửa của Việt Nam và tham gia hội nhập toàn cầu là khá sâu. Các FTA đã đem lại lợi thế thương mại lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Tốc độ xuất khẩu tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng như các mốc mới trong thu hút và giải ngân FDI là những minh chứng cho các tác động tích cực này.
 

Năm 2019 là năm bắt đầu triển khai CPTPP và cũng là năm EVFTA trở nên hiện thực hơn, vì vậy có thể coi là một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Vậy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Cơ hội từ hai hiệp định mới khá lớn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Thứ nhất, đây là các hiệp định mà cam kết cắt giảm về thuế quan tương đối sâu và nhanh.

Với xuất khẩu từ Việt Nam, hầu như trên 80% số dòng thuế được các nước cam kết về 0 ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Rất nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, đồ gỗ, nông sản nằm trong nhóm thuế suất bằng 0% ngay tại thời điểm này tại thị trường Nhật hoặc Canada.

So với các hiệp định khác với Việt Nam, trong CPTPP, Nhật Bản đã mở cửa hơn nhiều, đặc biệt là với hàng nông sản. Tương tự như vậy, với EVFTA, 85,6% số dòng thuế được EU đưa về 0% ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực.

Việc các quốc gia mở cửa thị trường nhanh với Việt Nam trong khi vẫn cho phép Việt Nam có lộ trình mở cửa chậm hơn tạo ra lợi thế khá tốt cho các doanh nghiệp. 

Thứ hai, những hiệp định này đều là với các thị trường phát triển mà nền kinh tế Việt Nam có tính bổ sung cao, thay vì cạnh tranh trực tiếp. Nói một cách đơn giản là chúng ta có nhiều cơ hội xuất khẩu những thứ mà các quốc gia thành viên đang cần và cũng là những thứ mà chúng ta đang có.

Điều này đem đến một lợi thế lớn với các doanh nghiệp ở nhóm ngành thâm dụng lao động hiện nay của Việt Nam. Những đánh giá gần đây về cả CPTPP và EVFTA cho thấy, những nhóm ngành hưởng lợi lớn là dệt may (sản lượng tăng trên 30% so với khi không có hiệp định EVFTA, hoặc trên 8% đối với CPTPP).

Thứ ba, cơ hội tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ cũng như tận dụng mức cam kết mở cửa sâu hơn với các FTA hiện nay. Tham gia CPTPP và EVFTA cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có năng lực thỏa thuận cao hơn trong trường hợp Mỹ quay lại hoặc dự kiến có một thoả thuận song phương, cũng như khi Việt Nam tham gia vào các FTA khác.
Đặc biệt hơn, các hiệp định này có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống mà sự phụ thuộc đó có thể kéo theo sự phụ thuộc về các lĩnh vực khác.

Thứ tư, tác động về thu hút đầu tư FDI là tương đối đáng kể, mặc dù hiện nay chưa có một mô hình nào lượng hoá được tác động này. Về nguyên tắc, các hiệp định thương mại đều có ảnh hưởng đến dòng vốn di chuyển giữa các quốc gia.

Thu hút FDI đến từ ba khía cạnh của một FTA: (1) các thoả thuận trực tiếp liên quan đến đầu tư, trong đó quan trọng là các cam kết về mở cửa đầu tư, bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp trong đầu tư, đặc biệt là giữa nhà đầu tư với chính phủ; (2) các cam kết khác liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư và thương mại làm cho chi phí đầu tư giảm cũng như cân đối giữa chi phí đầu tư và chi phí thương mại thay đổi; (3) cam kết về cắt giảm thuế quan thường đi kèm với tỷ lệ xuất xứ nội địa hoặc xuất xứ nội khối, do đó nhà đầu tư có thể đầu tư để sản xuất hàng xuất khẩu tới các quốc gia tham gia hiệp định để hưởng thuế suất ưu đãi.

Thực tế cho thấy, dòng FDI tăng đều ngay cả khi chúng ta đang trong giai đoạn đàm phán CPTPP và EVFTA. Dòng FDI đầu tư vào các ngành sản xuất phụ trợ và linh kiện sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi do tỷ lệ nội khối tăng lên, tác động lan toả công nghệ cũng như làm tăng hiệu quả theo quy mô.

Ví dụ, chúng ta có thể thấy Samsung và một số doanh nghiệp lớn khác khi đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo một loạt doanh nghiệp phụ trợ với mức độ sản xuất và đầu tư ngày một sâu hơn. Tỷ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp này đang gia tăng nhanh và đương nhiên kéo theo tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp khác do các nhà cung cấp của Samsung bán ra thị trường.   

Không có bữa trưa nào miễn phí

Một điều hiển nhiên là bất kỳ một cam kết nào cũng đều có tính hai mặt. Các doanh nghiệp, bên cạnh những thuận lợi, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo một nghiên cứu của ADB, tỷ lệ hưởng lợi từ thuế quan ưu đãi của xuất khẩu từ Việt Nam khoảng 38%, không phải là quá thấp so với khu vực, nhưng cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp đều hưởng lợi từ các FTA.

Do tính chất là các hiệp định Bắc-Nam, những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhiều. Nhưng với những ngành thâm dụng nhiều vốn, mức tăng trưởng sản lượng là không đáng kể (ví dụ, với CPTPP, sản lượng của nhóm này ước tính chỉ tăng 0,8%, xuất khẩu tăng thêm 1,67%).

Trong thực tế, một số ngành có thể chịu tác động bất lợi từ các hiệp định. Ngành chăn nuôi là một ví dụ. Lợi thế của ngành này kém so với một số đối tác như Úc, New Zealand và mức độ cắt giảm thuế quan so với mức MFN (chế độ tối huệ quốc) hiện nay là không nhiều.
Trong đánh giá về tác động của cả EVFTA và CPTPP đều cho thấy, đây là ngành chịu tác động tiêu cực về xuất khẩu, đặc biệt là tác động EVFTA. Với CPTPP, sản lượng của ngành có thể giảm 0,3% và xuất khẩu giảm khoảng 8%. Ngành chế biến thực phẩm cũng bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng sản lượng bị giảm khoảng 0,3 - 0,5%.

Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và sức ép về cải cách thể chế, môi trường kinh doanh trong năm 2019 cũng là điều cần phải chú ý. Nhận định chung hiện nay là doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Một nghiên cứu gần đây về EVFTA cho thấy, mặc dù có khá nhiều doanh nghiệp đã biết đến sự hiện diện của hiệp định này (82%), nhưng phần lớn đều không hiểu sâu.

Cụ thể, trong số các doanh nghiệp đã biết về EVFTA, có tới 69% doanh nghiệp cho biết họ thực ra chỉ “có nghe nói”, số “đã tìm hiểu sơ sơ” là 26%, còn số thực sự “đã tìm hiểu kỹ” chỉ 5%. Thêm vào đó, phần lớn (63%) cho biết chưa có bất kỳ hành động chuẩn bị nào, dù nhỏ, để chuẩn bị cho EVFTA nói riêng cũng như các FTA nói chung trong tương lai.

Về khía cạnh thứ hai, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại theo Nghị quyết 19 năm 2014, nhưng đến nay, khoảng cách về thuận lợi hóa thượng mại giữa Việt Nam và nước dẫn đầu vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Bảo hộ nhà đầu tư vẫn là một điểm yếu của pháp luật Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu mới đây, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam chỉ đạt 4,7/10 điểm, xếp thứ 100/140 nước được xếp hạng.

Đơn giản hóa các thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng là một biện pháp có thể thực hiện để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư cũng như tạo ra sự tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù Nghị quyết 19 của Chính phủ yêu cầu giảm thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa từ năm 2014, nhưng cho đến nay, hệ thống tư pháp chưa có biện pháp gì đáng kể để thay đổi tình hình.

Năm 2019 đang mở ra khá nhiều cơ hội tốt đẹp từ bên ngoài cho các doanh nghiệp, nhưng biến thành lợi ích thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Không có bữa trưa miễn phí (No free lunch) luôn đúng và đặc biệt đúng với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Nguồn: Ngoc Hưởng, TCHN