Theo The Korea Herald số ra ngày 27/1, Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm FTA vào năm 1999, khi nước này đàm phán với Chile, đối tác đầu tiên cho một hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào tháng 4/2004.
Trong 20 năm qua, 15 FTA song phương và đa phương giữa Hàn Quốc và các đối tác đã có hiệu lực, với tổng số 52 quốc gia tham gia, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (EU). Hàn Quốc cũng đã ký kết các FTA với 5 quốc gia ở Trung Mỹ và các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi các nhà lập pháp phê chuẩn.
Ngoài ra, Hàn Quốc đang đàm phán FTA với các quốc gia như Ecuador, Israel và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela. Các cuộc thảo luận sơ bộ với Mexico cũng đang được tiến hành để bắt đầu các cuộc đàm phán FTA.
Theo các quan chức Chính phủ Hàn Quốc, việc đàm phán ký FTA với các quốc gia Nam Mỹ và Trung Mỹ nhằm có được vị thế thuận lợi ở các thị trường mới nổi này trước Nhật Bản hay Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Kim Hyun-chong cho rằng: “Cần phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu bằng cách hướng tới các nền kinh tế mới nổi”.
Ông nói thêm rằng Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng các FTA lên tới mức các đối tác tham gia chiếm khoảng 90% Tổng sản phẩm quốc nội của thế giới trong những năm tới, từ mức 77% hiện nay.
Hàn Quốc hiện không có FTA nào ở Trung Đông. Mặc dù đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh gồm 6 thành viên vào năm 2008, song các thủ tục chuẩn bị song phương đã tạm dừng sau phiên họp thứ ba hồi tháng 7/2009.
Sáu nước này là Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Qatar, Oman và Bahrain. Các nhà phân tích thị trường chỉ ra rằng cần có sự tiếp cận lớn hơn để làm "hồi sinh" các cuộc đàm phán với GCC hoặc thâm nhập các thị trường khác liên quan đến châu Phi.
Một giám đốc điều hành doanh nghiệp đã đề cập tới vai trò của khu vực tư nhân địa phương, bao gồm các nhà thầu xây dựng và các doanh nghiệp hóa dầu có kinh nghiệm hoạt động lâu năm ở khu vực này.
Ông này nói: “Điều quan trọng không chỉ là chữ ký mà là nội dung thỏa thuận. Không có lý do gì để vội vàng khi có xu hướng bảo hộ trên toàn cầu. Khi cho rằng FTA là một sự cho và nhận thông qua việc nới lỏng hàng rào thuế quan thì sự thận trọng dựa trên các chiến lược đàm phán tinh tế là cần thiết”.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận với các nước Hồi giáo. Bộ trưởng Kim đã đến thăm Qatar và Oman vào đầu tháng này để thảo luận về hợp tác kinh tế.
Ông đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của các quỹ tài sản và người đồng cấp ở hai nước này. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc hoan nghênh chính sách của Bộ Thương mại Hàn Quốc hướng tới đa dạng hóa.
Các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân đang đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán thương mại sắp tới của Chính phủ có thể gia tăng thương mại với các nước như Saudi Arabia (hiện là đối tác thương mại lớn thứ chín), Ấn Độ (thứ 11), Nga (thứ 12), Mexico (thứ 15), UAE (thứ 16) và Iran (thứ 20).
Một nhà phân tích nghiên cứu trong lĩnh vực chứng khoán ở Yeouido, Seoul cho rằng có vẻ như Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại lớn với Hàn Quốc.
Bên cạnh sự hợp tác với các thị trường mới nổi, việc tăng khối lượng thương mại với các quốc gia châu Âu là rất cấp bách.
Mặc dù FTA Hàn Quốc- EU và FTA giữa Hàn Quốc và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) với tổng cộng 32 quốc gia tham gia, song chỉ có 2 nước - Đức (lớn thứ tám) và Anh (thứ 17) - nằm trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc./.
Nguồn: TTXVN/ BNews