Doanh nghiệp dệt may cần tăng cường khai thác nguồn vải từ EU và Hàn Quốc để tận dụng hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang EU.
EU- thị trường lớn của dệt may Việt Nam
Dệt may Việt Nam hiện nằm trong Top 3 các nước xuất khẩu dệt may toàn cầu, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Trong số các thị trường nhập khẩu dệt may Việt Nam thì EU là thị trường chiếm tỷ trọng khá lớn. Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU đạt kim ngạch trên 4,133 tỷ USD.
Tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường EU còn rất lớn. Với dân số 500 triệu người, hàng năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu trên 100 tỷ USD hàng may mặc. Hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU đang bình quân là 9,6%, nhưng tới đây, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% (trong vòng 7 năm). Đây thực sự là cơ hội rất lớn đối với dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn tăng xuất khẩu vào thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực thì thách thức cũng không phải nhỏ. Đó là dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các nước hiện có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn vào EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Campuchia. Cùng với đó, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đánh vào khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may XK, trong đó khoảng 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan.
Mặt khác, EU là thị trường đẳng cấp và khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, với các quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường (quy định REACH). Hơn nữa, EVFTA có hiệu lực sẽ đồng nghĩa với mở cửa cho hàng hóa của EU vào Việt Nam. Đây là thách thức lớn do doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường.
Tăng cường khai thác nguồn vải từ EU, Hàn Quốc
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại ngành dệt may" ngày 18/4/2019, ông Trương Văn Cầm- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) quy định quy tắc xuất xứ từ vải trở đi. Hiệp định này cũng quy định, hàng dệt may xuất khẩu vào EU sử dụng vải từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với khối này vẫn được tính có nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, doanh nghiệp dệt may trong nước có thể nhập khẩu vải từ Hàn Quốc cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang EU và vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Trương Văn Cầm- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Doanh nghiệp dệt may cần tăng cường khai thác nguồn vải từ EU và Hàn Quốc, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải trở đi để tăng cường xuất khẩu dệt may vào EU.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ những nội dung liên quan đến ngành dệt may của EVFTA, đặc biệt lộ trình giảm thuế, yêu cầu xuất xứ và chứng nhận xuất xứ, phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật… Đặc biệt là cần phối hợp giữa các doanh nghiệp mạnh đầu tư sản xuất vải, phụ liệu tại các khu công nghiệp dệt may lớn, hình thành chuỗi liên kết xây dựng chuỗi liên kết dệt- may- phụ liệu tại mỗi vùng để đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Cầm về lâu dài, ngoài việc tìm hiểu kỹ lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp dệt may trong nước cần hình thành chuỗi liên kết nội tại, liên doanh với doanh nghiệp đến từ EU để chuyển giao công nghệ, tận dụng nguồn vải. Đặc biệt, hợp tác với các doanh nghiệp trong khối EU trong lĩnh vực xơ sợi tổng hợp, sợi chất lượng cao để phát triển được nguồn vải trong nước.
Nguồn: Lê Gia Thanh Tùng, Bộ Công Thương