TP Hồ Chí Minh định hướng phát triển ngành nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại hóa với 6 sản phẩm chủ lực là rau, hoa kiểng, bò sữa, lợn, tôm nước lợ và cá cảnh. Tuy nhiên, việc liên kết đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nói riêng và nông sản nói chung vẫn còn rời rạc, thiếu ổn định.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo hiện trạng và giải pháp phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP Hồ Chí Minh do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/4.
Nghịch lý sản xuất – tiêu thụ nông sản
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; trong đó, các sản phẩm chủ lực là những nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố và có xu hướng phát triển ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường, sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các địa phương khác.
Đó cũng là những sản phẩm có điều kiện tham gia các chuỗi liên kết và cung ứng, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu mang lại lợi nhuận, giá trị tăng cao, giúp nông dân làm giàu bền vững và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi sản lượng nông sản sản xuất ra chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố nhưng nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp lại đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh phân tích, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng vật nuôi có năng suất, giá trị cao hơn như hoa kiểng, cá cảnh, rau sạch, xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp.
Hiện thành phố có hơn 5.000 trang trại hộ gia đình, 68 hợp tác xã và gần 230 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên với quy mô dân số hơn 10 triệu người, thu nhập và sức mua ngày càng gia tăng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mới đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và nước ngoài.
Cung chưa đủ cầu nhưng việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố cũng đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, mặc dù thành phố đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế sản phẩm rất lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất cao.
Các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý cũng gây khó cho người sản xuất khi tiếp cận các kênh phân phối hiện đại.
Đơn cử với mặt hàng rau quả, toàn thành phố có hơn 3.500 ha trồng rau quả, sản lượng đạt khoảng 490.000 tấn, đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, tiêu thụ rau củ quả qua thương lái chiếm tới hơn 42,2%, chất lượng sản phấm bán cho thương lái thường không theo tiêu chuẩn cụ thể nào và giá bán cũng lên xuống theo từng ngày.
Những sản phẩm có chứng nhận VietGAP hoặc sản xuất theo VietGAP được tiêu thụ qua hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 27,3%, tiêu thụ qua chợ đầu mối chiếm tỷ lệ 19,1%, tiêu thụ qua chợ truyền thống chiếm tỷ lệ 10,4%, rau bán trực tiếp cho người tiêu dùng chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 1% sản lượng sản xuất.
Trong khi đó, ông Lê Văn Được, Chủ tịch Hội nông dân huyện Cần Giờ cho biết, mặc dù tôm nước lợ đã được xác định là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố nhưng hiện nay các hộ nuôi tôm ở Cần Giờ vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.
Cụ thể, mỗi năm Cần Giờ sản xuất được khoảng hơn 10.000 tấn tôm nhưng chưa ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị do không đáp ứng được yêu cầu về việc duy trì sản lượng thường xuyên. Trong khi đó việc bán tôm cho các thương lái, qua nhiều khâu trung gian khiến lợi nhuận của nông dân bị giảm đáng kể. Do đó, muốn phát triển con tôm nước lợ trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong lâu dài cần có giải pháp tiêu thụ hiệu quả hơn cho người dân.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn nhất cả nước, đây còn là đầu mối xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên thời gian qua, việc tìm đầu ra cho nông sản ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đều do người sản xuất tự bơi. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh của hội nhập ngày càng cao khiến nhiều nông sản Việt “lép vế” trước nông sản ngoại nhập.
Trong bối cảnh đó, việc kết nối chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quan hệ cung cầu và định hướng hàng hóa là hết sức quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Muốn xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, người sản xuất phải tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của thị trường trước khi sản xuất chứ không phải cứ sản xuất xong đi tìm đầu ra, đồng thời phải đảm bảo chất lượng hàng hóa như cam kết với khách hàng bằng việc áp dụng các mô hình, công nghệ mới vào sản xuất.
Trong khi đó, nhà phân phối phải có chính sách hỗ trợ và cam kết tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin và tư vấn cho người sản xuất để có sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Về phía nhà nước, cần thực hiện hiệu quả việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) thông tin, tính đến năm 2019 đã có hơn 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các hợp tác xã, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường thành phố.
Trong chính sách thu mua, Saigon Co.op đặt yêu cầu an toàn thực phẩm, chất lượng lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm thị trường để hợp tác xã, nông dân không bị thiệt. Nhiều hợp tác xã qua quá trình đồng hành cùng Saigon Co.op đã được hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng thanh toán trước tiền mua hàng vào dịp cao điểm.
Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Saigon Co.op ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn để tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, tuy nhiên việc hợp tác còn vẫn gặp một số khó khăn như sản phẩm nông nghiệp thường bị ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết, đặc biệt vào mùa mưa các hợp tác xã, doanh nghiệp không đủ sản lượng cung ứng. Các hợp tác xã, doanh nghiệp còn chậm trong việc tiếp cận, tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, sơ chế sản phẩm, đóng gói, các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ bán hàng.
Do đó, Saigon Co.op đề xuất các hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp phải cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hoá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa.
Các hợp tác xã cũng cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường dẫn đến “được mùa mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra), đơn vị quản lý kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền chia sẻ, chợ đầu mốiBình Điền hoạt động với hình thức mở cho nên các nguồn hàng rất dễ tiếp cận thị trường khi thông qua các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh là một thị trường tiêu thụ lớn và có mạng lưới phân phối lại cho các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng như xuất khẩu, nên phải xác định đây là một thị trường khó tính, có sức cạnh tranh và yêu cầu cao về tiêu thụ. Giá cả - chất lượng – mẫu mã vẫn giữ vai trò tiên quyết trong việc đưa hàng vào chợ Bình Điền.
Ông Nguyễn Phúc Khoa khẳng định, nông sản đi vào các chợ đầu mối thật sự không quá khó. Vấn đề là sự minh bạch về thông tin trong sản xuất, chất lượng tốt, số lượng phải đảm bảo, nguồn cung ứng phải đầy đủ và ổn định. Do đó, việc thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi… cần được hộ nông dân, hợp tác xã và địa phương triển khai một cách hiệu quả để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp chủ lực nói riêng, nông sản nói chung có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: Ngô Xuân Nam, Bộ Nông nghiệp