Sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất chế biến với tiêu thụ đúng nhu cầu thị trường.
Muốn vậy, phải liên kết được 10.000 doanh nghiệp này với khâu sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân thông qua 50.000 hợp tác xã.
Trao đổi với DĐDN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dấu mốc năm 2018 đánh dấu bước tiến lớn của sản xuất nông nghiệp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng nông sản của Việt Nam chúng ta.
-Theo dự báo, thị trường đầu ra cho nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn năm 2019, vậy đâu là những thách thức mà nông sản Việt sẽ gặp phải khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị, thưa Bộ trưởng?
Để xác định tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông nghiệp Việt sẽ gặp phải ba nhóm thách thức cơ bản. Thứ nhất, phải tiếp tổ chức lại nền sản xuất hiện vẫn đang chủ yếu phân tán dựa trên các hộ sản xuất nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành nền sản xuất tập trung hướng tới hàng hoá mà có quản trị. Đây là thách thức rất lớn của chúng ta.
Thứ hai, tổ chức được nền sản xuất nông nghiệp thích ứng được với biến đổi khí hậu, một tác nhân đang gây hậu hoạ lớn cho các nước sản xuất nông nghiệp mà Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động lớn nhất. Hiện nay, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản. Việt Nam phải có giải pháp tổng thể lựa chọn đối tượng sản xuất, quy trình để thích ứng được, biến bất lợi thành lợi thế.
Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng tính cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, chúng ta lại là nước có GDP bình quân đầu người còn thấp, thị trường lại đang có độ mở lớn do đó cạnh tranh là rất khốc liệt.
Đặc biệt, kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, các quốc gia đều có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh chung mà còn là hướng ưu tiên số 1 của nhiều quốc gia, do đó, khi Việt Nam muốn tham gia xuất khẩu vào chuỗi giá trị toàn cầu phải cạnh tranh gay gắt.
-Vậy đâu là giải pháp trọng tâm để xây dựng chuỗi giá trị cho từng ngành sản phẩm, thưa Bộ trưởng?
Trước tiên cần xác định thị trường cần gì? Xu hướng thị trường đặc biệt cần được chú trọng để sản xuất gắn với tiêu thụ. Ví dụ như câu chuyện phát triển nóng hồ tiêu, quy hoạch đến năm 2020 chỉ 50.000 ha, nhưng nay đã vượt 152.000 ha, giá tiêu đang thấp dưới giá thành, đây là điển hình của sản xuất chế biến không ăn nhập gì với tiêu thụ.
Đặc biệt, bán cho thị trường thế giới không phải chuyện đơn giản các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc... phải đảm bảo mới tiêu thụ được. Trong khi đó, chúng ta tự hào có 10.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong khu vực nông nghiệp. Yêu cầu tiếp theo là phải liên kết được 10.000 doanh nghiệp này với khâu sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân thông qua 50.000 hợp tác xã. Tới đây, sẽ có biện pháp mạnh mẽ thu hút thêm doanh nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất, khu vực chế biến và tiêu thụ.
Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi cũng phải chú ý đặc biệt tới ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất tới khâu bán hàng. Bởi, bây giờ làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học công nghệ, không có tổ chức quản trị, không có tiếp thị, marketing thì chỉ có “sập tiệm”.
-Bộ trưởng vừa nói sẽ có biện pháp mạnh mẽ thu hút thêm doanh nghiệp là hạt nhân của liên kết tạo chuỗi, xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn?
Phải khẳng định doanh nghiệp là hạt nhân của liên kết tạo chuỗi giá trị nông sản Việt. Có thể nói, câu chuyện phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn cần sự vào cuộc chung của cả ba trục. Một là các Bộ ngành trong hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Trục thứ hai là tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Trục thứ ba là định hướng sản xuất của 8,6 triệu hộ nông dân liên kết chặt chẽ hợp tác xã và doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp