Tin tức

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) sửa đổi là một bước tiến lớn nhằm tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản.

AJCEP có hiệu lực từ năm 2008, có nội dung chủ yếu là xoá bỏ mọi hàng rào kỹ thuật và thuế quan đối với trao đổi thương mại giữa hai bên. Nhằm tăng cường lợi ích từ thỏa thuận này, các cuộc đàm phán về dịch vụ và đầu tư đã được khởi động từ năm 2010 và hoàn tất ở cấp Bộ trưởng năm 2017.

Nâng cao vị thế cho cả hai bên

Ngoài AJCEP, Nhật Bản đã ký kết FTA với 7 nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam, nhưng chưa ký kết FTA với Lào, Campuchia và Myanmar. FTA giữa Nhật Bản và 7 nước thành viên ASEAN không khác biệt cơ bản hay mâu thuẫn với AJCEP, nhưng cũng không hoàn toàn giống AJCEP. Điều đó có nghĩa sẽ có việc thực hiện AJCEP giữa Nhật Bản và tất cả 10 thành viên ASEAN đồng thời với việc thực hiện FTA riêng giữa Nhật Bản và 7 thành viên ASEAN. Do đó, AJCEP cũng có tác động thúc đẩy 3 thành viên còn lại của ASEAN tiến tới đàm phán và ký kết FTA với Nhật Bản.

Việc hoàn thiện quá trình thể chế hoá và khuôn khổ hoá quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên, nhất là đối với Nhật Bản. Bởi vì Nhật Bản cần có thêm những khuôn khổ và cơ chế quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mới này theo hướng tự do hoá để tạo lợi thế cho mình khi đi vào đàm phán FTA với Mỹ vốn đã và đang chủ trương thực thi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Ngoài ra, AJCEP sửa đổi sẽ giúp Nhật Bản tăng được vị thế và uy tín để tranh thủ các đối tác và tập hợp lực lượng trên thế giới nêu cao khẩu hiệu tự do hoá thương mại. Còn về phía ASEAN cũng có được thành tựu mới về phát triển tổ chức và mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài, nâng cao vai trò, ảnh hưởng và giá trị của tổ chức đối với các thành viên.

Cơ hội cho Việt Nam

Việt Nam có FTA riêng với Nhật Bản, tham gia CPTPP cùng với Nhật Bản và là thành viên ASEAN nên có phần trong AJCEP. Những khuôn khổ quan hệ hợp tác này bổ sung và hậu thuẫn cho nhau, tạo cơ hội cho giới doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác kinh doanh trở nên đa dạng và thuận lợi hơn. Nhưng cũng vì thế mà có một số vấn đề lớn đặt ra cho Việt Nam trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Thứ nhất, cần xác định ưu tiên lĩnh vực và cấp độ hợp tác với Nhật Bản trong từng khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương nói trên để vừa tận lợi được tối đa cơ hội, từ đó tránh bị chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn với nhau. Cụ thể cần ưu tiên hợp tác những lĩnh vực, như công nghiệp chế tạo, chế biến có sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ thân thiện môi trường... trong khuôn khổ FTA song phương, CPTPP và AJCEP.

Thứ hai, cần tạo nên hiệu ứng cộng hưởng từ hợp tác với Nhật Bản trong cả ba khuôn khổ mậu dịch tự do đó. Đây là bài toán khó cả về tầm nhìn vĩ mô lẫn quyết sách vi mô, đòi hỏi cần được điều chỉnh linh hoạt và kịp thời.

Thứ ba, cần đảm bảo sự tương tác hài hoà giữa ba khuôn khổ hợp tác này với nhau để cả ba đều cùng được thúc đẩy, chứ không cản trở hay đối kháng lẫn nhau.

Về phía các doanh nghiệp cần khai thác các ưu đãi do các FTA này mang lại, trong đó bám sát các lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Nhật Bản; đồng thời khắc phục những rào cản về kỹ thuật cũng như tuân thủ các quy tắc của các Hiệp định này. Những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, bao gồm hàng nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ...

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp