Cộng đồng DN, nhà đầu tư vẫn mong muốn Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm các thủ tục thuế, hải quan...
Theo đánh giá của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Kết quả này đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.
Hoạt động xuất khẩu năm 2019 được giới chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da-giày-túi xách Việt Nam (LEFASO) Phan Thị Thanh Xuân cho biết, năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD, tăng thêm 2 tỷ USD so với kết quả thực hiện của 2018.
“Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cơ hội thị trường với ngành giày dép, túi xách Việt Nam vẫn khá triển vọng do tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc. Các DN da giày, túi xách vẫn đang có nhiều cơ hội để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu, đặc biệt với một số thị trường mà giày dép còn chưa vào được nhiều như Canda, Mexico, Australia... trong khối CPTPP”, bà Xuân cho biết.
Đối với ngành dệt may, mặc dù đánh giá năm 2019 sẽ là năm thực sự thách thức hơn rất nhiều so với năm 2018, song ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) tin tưởng xuất khẩu của ngành này năm 2019 sẽ có nhiều thuận lợi trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với xu thế cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện, tạo sự thuận lợi hơn cho DN.
“Chính vì thế, ngành dệt may năm 2019 sẽ quyết tâm để tận dụng các cơ hội đến từ CPTPP và EVFTA. Trong điều kiện có cả Hiệp định CPTPP và EVFTA, mục tiêu cao của ngành dệt may Việt Nam năm 2019 là xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018. Trong điều kiện chưa có EVFTA hoặc hiệp định triển khai chậm, mục tiêu xuất khẩu của ngành hướng đạt kim ngạch từ 38 – 38,5 tỷ USD theo hướng sản xuất xanh, năng suất tốt, cải thiện điều kiện làm việc và tăng giá trị gia tăng và mục tiêu hiệu quả tăng gấp đôi kim ngạch”, ông Trường cho hay.
Tín hiệu tích cực từ phía các địa phương cũng cho thấy sự quyết tâm cao trong mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mục tiêu của tỉnh Bắc Giang trong năm 2019 sẽ đạt kết quả cao hơn năm 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Bắc Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2018. Cùng với đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh đã đặt ra cho năm 2019 cao hơn nhiều so với năm 2018.
Điểm tích cực đáng chú ý là những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), xuất khẩu của Việt Nam dù cơ cấu đã chuyển đổi theo hướng tích cực, giá trị sản phẩm nâng cao, song nhiều năm qua Việt Nam vẫn nổi tiếng là nước xuất khẩu hàng hóa từ việc tận dụng lao động cũng như tỷ lệ chế biến còn thấp.
Do đó, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tăng cường hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường nước ngoài bằng những hoạt động xúc tiến truyền thống như tham dự hội chợ triển lãm nước ngoài, gặp gỡ đối tác nước ngoài... là quan trọng. Đặc biệt, cục đã thảo luận với Amazon tìm phương thức hỗ trợ DNNVV thâm nhập vào thị trường thế giới, đưa hàng hoá vào các quốc gia trên thế giới một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, cộng đồng DN, nhà đầu tư vẫn mong muốn Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm các thủ tục thuế, hải quan cũng như kiểm tra chuyên ngành đối với DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư một cách trọng tâm và có bài bản hơn. Cụ thể như đối với ngành dệt may, theo tinh thần phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì Nhà nước khuyến khích các địa phương thu hút các DN lớn sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may để đảm bảo điều kiện xuất xứ đối với sản phẩm ngành này.
Nguồn: Đỗ Phượng, theo Thời báo Ngân hàng