Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU chính thức ký kết được nhận định sẽ mở ra cơ hội rất lớn thúc đẩy xuất khẩu gỗ vào thị trường EU.
Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018. Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang thị trường Châu Âu (EU).
Cơ hội lớn với gỗ Việt
Những năm gần đây, thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Với riêng EU, đây được coi là thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt.
Đánh giá tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu gỗ vào EU, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, việc ký Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. "Tôi dự đoán trong vài năm nữa, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD. Quan trọng hơn, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu”, ông Quyền nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định VPA/FLEGT tạo cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị đồ gỗ toàn cầu. Khi tham gia hiệp định, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ, gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800 USD/m3, nhưng nếu áp dụng công nghệ cao giá sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT): Giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch XK. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị XK tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017.
Vẫn còn những thách thức
Liên quan tới vấn đề khó khăn, thách thức đặt ra từ Hiệp định VPA/FLEGT, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay: Với VPA/FLEGT, 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí.
Tuy vậy, ông Quyền cũng khẳng định: “Đây là một đòi hỏi tất yếu của thị trường thế giới. Ví dụ ở Mỹ là Đạo luật Lacey Act cũng với nội dung tương tự VPA/FLEGT về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ. Bởi vậy, để giữ vững thị trường xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa trong mọi khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, công nhân để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đặt ra”, ông Quyền nói.
Nhằm tận dụng tốt cơ hội mở ra từ Hiệp định VPA/FLEGT, theo ông Phạm Văn Điển: “Chúng ta phải hành động, mà thực tế là đã hành động từ lâu. Một loạt công việc như hệ thống luật pháp có bước tiến, tiếp thu ý kiến cả trong và ngoài nước sao cho có lợi chung. Về việc hỗ trợ cho nông dân, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, sao cho thúc đẩy việc trồng rừng, sản xuất phát triển bền vững. Về nguồn gốc gỗ nhập khẩu, chúng ta có nhập khẩu gỗ từ Campuchia, Nam Phi, Cameroon nhưng đã giảm đi nhiều. NK gỗ từ Campuchia cũng giảm 3 -4 lần”.
Xung quanh câu chuyện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gỗ nói chung và xuất khẩu vào thị trường EU nói riêng, ông Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm: Trong năm 2017 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Có thể khẳng định đây là hành lang pháp lý giúp ngành sẽ có bước phát triển cao hơn, là cơ sở để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thấy rõ những thách thức, cơ hội khi tham gia hội nhập với ngành lâm nghiệp thế giới. “Thời gian tới, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT sẽ cụ thể hóa hơn nữa chính sách giao đất, khoán rừng với chủ hộ; đồng thời giúp các chủ rừng sớm có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững rừng (FSC) để làm tốt hơn nữa việc quản lý, nâng cao việc khai thác và sản xuất từ rừng; khuyến khích các hợp tác xã liên kết với nhau để xây dựng chứng chỉ dựa trên sự liên doanh liên kết với nhau”, ông Đồng nói.
Về phía Bộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, VPA/FLEGT là cơ hội để tăng cường công tác quản lý gỗ, tăng cường việc theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ hiện nay Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nước, đôi khi gặp khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, buộc chúng ta phải đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, xuất khẩu là hợp pháp, không gây hại môi trường…
Được biết, hiện nay Việt Nam đang sử dụng hai nguồn gỗ nguyên liệu từ nhập khẩu và trong nước. Đối với nguồn nhập khẩu, việc truy xuất rõ nguồn gốc phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Với nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, hiện việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các diện tích rừng trồng đang được ngành chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện dù công việc này khá tốn kém.
Nguồn: Thanh Hòa, Bộ NNPTNT