Ngoài những tác động từ cắt giảm thuế quan, Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội cải thiện môi trường thể chế theo hướng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường thể chế
Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào các “sân chơi” hội nhập đã và đang giúp cải thiện mạnh mẽ thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng có lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN).
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, sau hơn 20 năm tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã thu một số bài học kinh nghiệm lớn cho cả khối DN và quản lý nhà nước. Trong đó, về quản lý nhà nước, bài học cơ bản là cần tạo môi trường kinh doanh đủ thông thoáng, để một mặt thực thi các cam kết quốc tế, các hiệp định Việt Nam đã ký kết. Mặt khác giúp DN có điều kiện phát triển, từ đó nâng cao năng lực, nắm bắt cơ hội.
Nhờ đó, những năm gần đây, Chính phủ đã có sự thay đổi triết lý quản lý, đó là chuyển sang hướng quản lý kiến tạo phát triển, tập trung vào việc tạo dựng môi trường cạnh tranh công khai, minh bạch, công bằng. Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, đồng thời đón đầu các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, Bộ Công thương trong những năm vừa qua đã chủ động rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh do Bộ phụ trách.
Mới đây, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa và hợp lý hóa thêm 202 điều kiện kinh doanh nữa. Như vậy, sau hai lần rà soát, Bộ Công thương đã bãi bỏ, đơn giản và hợp lý hóa hơn 72% điều kiện kinh doanh do Bộ phụ trách.
“Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là con số, mà ý nghĩa hơn, Bộ Công thương xác định việc cắt giảm phải đi vào thực chất. Đồng thời giám sát để không tái sinh trở lại những điều kiện kinh doanh đó nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh. Ngoài ra, với sự chủ động, sự chuyển đổi tư duy quản lý, Bộ Công thương kỳ vọng trong tương lai, kể cả trong trường hợp Quốc hội có quyết định thêm ngành nghề nào đó cần phải có thêm điều kiện kinh doanh thì các điều kiện kinh doanh đó sẽ được ban hành vừa đủ, để bảo đảm quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, công bằng cho DN.
Kỳ vọng lớn từ doanh nghiệp
Song song với những lợi ích về việc cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, việc cắt giảm triệt để thuế quan, từ đó giảm giá thành sản phẩm cũng khiến CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho biết, Hiệp định CPTPP mang đến cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với ba thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Bên cạnh đó, là cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với bảy thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta. Như vậy, đây chính là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – chia sẻ, đây là Hiệp định thế hệ mới, ngoài việc mang lại thêm cơ hội rộng mở về thị trường cho các DN thủy sản thì hiệp định cũng giúp DN có thêm cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước thành viên CPTPP.
“Ngoài vấn đề về mặt thuế quan đem lại cho ngành thủy sản, hiệp định này sẽ có tác động tâm lý rất lớn cho DN, mở ra khả năng phát triển hàng giá trị gia tăng trong nội khối cho Việt Nam; đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng, công bằng cho DN”, ông Trương Đình Hòe cho hay.
Cũng là mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ hiệp định quan trọng này, ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, CPTPP tạo thêm thuận lợi cho ngành dệt may xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thành viên và tác động ngược trở lại cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng tốc, vì điều kiện về xuất xứ nguyên phụ liệu, hàng hóa cũng chặt chẽ hơn.
Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD, cao hơn con số 31 tỷ USD trong năm 2017. Khi CPTPP được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may từ năm 2018 trở đi chắc chắn sẽ có sự bứt phá hơn con số gần 10% như lâu nay. DN trong nước muốn nắm bắt cơ hội này phải hoàn chỉnh các khâu sản xuất, xây dựng các hệ thống về quản lý chất lượng cao cấp, liên kết chặt chẽ hơn trong các khâu sản xuất giữa các DN.
Song hành thách thức
Tuy nhiên, song song với thuận lợi, theo đánh giá của nhiều DN, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Đặc biệt, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật.
“Tất cả những tiềm năng ta đang chỉ ra mới chỉ là cơ hội và vì kỳ vọng nhiều vào các cơ hội nên chúng ta không thể không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực”, ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn. Đồng thời nhấn mạnh, bài học từ việc thực thi 10 FTA đang có đã cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, để giúp DN tận dụng được các thuận lợi này, theo cộng đồng DN, sau khi phê chuẩn CTTPP và có hiệu lực thi hành, phải thông tin rộng rãi tới người dân, DN. Chính phủ cần có kịch bản ứng phó để tận dụng tốt những cơ hội và ứng phó với những bất lợi, thách thức đặt ra.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Các DN cần có sự chuẩn bị, nỗ lực trong việc khai thác các lợi thế, khắc phục những bất lợi, khó khăn. Chính phủ cũng cần có sự tổng kết sâu sắc để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho DN. Đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng tăng cường tính liên kết, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quy mô GDP của khối chiếm 13,5% toàn cầu, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% nhưng thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Nguồn: Minh Phong Báo Nhân Dân