Với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) đưa vào thực hiện, cơ hội tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho ang hóa Việt Nam đang rất rộng mở. Thực tế, các FTA này đang được các doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả.
Các thị trường có FTA đều tăng trưởng mạnh
Được đánh giá là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực, dệt may là một trong những mặt ang có kim ngạch XK tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các FTA đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng XK dệt may trong thời gian gần đây.
Cụ thể, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015 đã giúp kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Năm 2016, kim ngạch XK dệt may đạt sang Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5%; năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8%. FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (có hiệu lực vào tháng 10/2016) cũng đã giúp kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang Nga tăng trưởng mạnh, từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên khoảng 172 triệu USD năm 2017.
Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 cũng tác động tích cực, giúp nâng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN từ một tỷ USD năm 2015 lên 1,35 tỷ USD năm 2017. Tương tự với Trung Quốc, hiệu quả từ Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc; Hiệp định Thương mại ang hóa ASEAN – Trung Quốc và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam – Trung Quốc giúp kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang quốc gia này ang tục cải thiện, từ 2,2 tỷ USD năm 2015 lên 3,2 tỷ USD năm 2017.
Dệt may là một trong những mặt ang đã tận dụng hiệu quả các FTA để tăng trưởng kim ngạch XK. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, đến nay, Việt Nam đã đưa vào thực hiện tổng số 10 FTA. Trong đó, tất cả các thị trường có FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh là Chi Lê (tăng gấp 4,59 lần sau 4 năm, tốc độ tăng bình quân 46,68%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 8,94 lần sau tám năm, tốc độ tăng bình quân 31,58%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 17,5 lần sau 11 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 12,27 lần sau 13 năm, tốc độ tăng bình quân là 21,71%/năm)…
Trong đó, thành tựu đáng kể là kim ngạch XK vào các nước có FTA với ta đang ngày càng tăng. Đơn cử, ba tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 8,25 tỷ USD, tăng 33,6%; sang Hàn Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 14,4%; sang Nhật Bản đạt 4,34 tỷ USD, tăng 36,9%; sang Ấn Độ đạt 1,57 tỷ USD, tăng 111%; sang ASEAN đạt 5,92 tỷ USD, tăng 19,2%; sang Nga đạt 543,5 triệu USD, tăng 30,6%...
Bên cạnh đó, số lượng các lô ang xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế (tiêu chí thể hiện mức độ tận dụng FTA) cũng tăng mạnh. Trong đó, quý 1/2018, các tổ chức cấp C/O được Bộ Công thương ủy quyền đã cấp hơn 216 nghìn bộ C/O, trị giá 10,657 tỷ USD, tăng tới 40% về trị giá và tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2017.
Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, so với các nước tham gia FTA với ta, tỷ lệ tận dụng ưu đãi nêu trên là khá cao. FTA đã có đóng góp đáng kể cho xuất khẩu. Tuy vậy, dư địa vẫn còn lớn và cần tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.
Tiếp tục tận dụng hiệu quả từ FTA
Trong thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc với việc nhiều FTA có hiệu lực, được ký kết hoặc tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng hơn. Trong đó, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến được ký kết trong năm 2018 sẽ là bước ngoặt mới trong chặng đường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước EU. Theo đó, EVFTA sẽ tạo nhiều thuận lợi cho XK ang hóa nói chung gia tăng thị phần tại thị trường này với những thuận lợi từ cam kết cắt giảm thuế quan và mở cửa ang hóa vào thị trường EU.
Để tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA đã và sẽ ký kết, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường ta đã có FTA. Tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc cấp C/O. Cụ thể, rút ngắn thời gian cấp C/O; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng việc thí điểm cấp C/O qua mạng Internet; triển khai, mở rộng áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia cơ chế này.
“Đặc biệt, cải cách hành chính là một trong những hoạt động quan trọng giúp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại trong thời gian qua. Hoạt động này sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, từ đó tận dụng hiệu quả hơn các FTA”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Minh Phong, Báo Nhân dân