Tin tức

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019 mở ra lợi ích kinh doanh cho DN chủ động thay đổi môi trường hay điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Song đó cũng là thách thức với các DN không có khả năng tiếp cận, thay đổi mô hình phát triển.

Thận trọng thực thi

Ngày 14/1/2019, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực. Trên phương diện chuỗi cung ứng toàn cầu, việc các DN xuất khẩu và nhập khẩu trong nội khối CPTPP không phải chịu các khoản thuế sẽ giúp dịch chuyển chuỗi cung ứng và DN Việt Nam có điều kiện tham gia. Về xuất khẩu, lợi ích cũng sẽ có, trước hết từ các thị trường chưa có FTA như Canada, Mexico, Peru, thậm chí cả thị trường Nhật Bản.

Song việc cắt giảm thuế chỉ áp dụng đối với hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ (ROO). CPTPP có một số quy tắc phức tạp cần tuân thủ, đặc biệt đối với hàng dệt may, nông, thủy, hải sản… xuất sang các thị trường này đều phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các DN của các nước CPTPP vận chuyển hàng hóa đến các quốc gia CPTPP khác cần phải tuân thủ để bảo đảm rằng các sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan. Nếu không đáp ứng, các DN không được hưởng lợi ích thuế quan thấp hơn của CPTPP.

Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam là cải cách thể chế. Sắp tới, Việt Nam sẽ sửa 7 luật và hàng chục nghị định trong quá trình rà soát pháp luật để phù hợp với các quy định của CPTPP, áp dụng trực tiếp nhiều cam kết, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư. "Điều này sẽ thay đổi tư duy xây dựng luật và thực thi luật ở cả cấp T.Ư và địa phương" - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Những nội dung nào có tác động nhiều nhất đến hoạt động kinh doanh của DN đó là, thứ nhất là thương mại hàng hóa, thứ hai là khả năng đầu tư, thứ ba là thương mại điện tử và thứ tư cải cách kinh doanh. Chính vì thế, các DN cần ưu tiên phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thứ hai là mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thứ ba là mở rộng tìm kiếm thị trường và thứ tư là nâng cấp công nghệ… Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy chia sẻ

Doanh nghiệp đừng để bị động

Nằm trong nhóm những DN hưởng lợi từ CPTPP, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) có chiến lược nhắm đến thị trường Úc và Canada. Đây là 2 thị trường nhập khẩu hàng may mặc rất lớn trên thế giới, trong khi TCM có lợi thế chủ động nguồn nguyên liệu từ sợi đến sản xuất thành phẩm. Khi CPTPP được thông qua, thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may vào hai thị trường này giảm về 0% sẽ là cơ hội lớn để TCM chinh phục khách hàng tại đây.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã có sự chuẩn bị từ lâu nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP. Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG Nguyễn Văn Thời chia sẻ, Công ty đã “gõ cửa” các thị trường trong khối CPTPP từ 3 năm trước. Nhờ đó, đến nay, TNG đã có trong tay một số khách hàng và kinh nghiệm nhất định. Sản lượng xuất khẩu sang thị trường Canada đang tăng mạnh, năm 2018 ước tăng 30 - 40% so với năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, khi CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, những DN chủ động đón cơ hội từ CPTPP nói trên không nhiều. Khảo sát mới đây cho thấy, hiện có 96% DN nhỏ và siêu nhỏ, thiếu kỹ năng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà, sức ép về các yêu cầu về xuất xứ nội khối, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sức ép giảm thuế, hàng rào kỹ thuật và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch thực vật… TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, khối DN nhỏ và vừa gần như chưa có kế hoạch và chiến lược cụ thể để chuẩn bị cho CPTPP.

Tại cuộc họp cuối năm tổng kết của Tổng Cục thống kê, cơ quan này nhận xét, theo báo cáo gần đây cho thấy có đến 86% DN biết đến Hiệp định CPTPP. Có 76,8% DN cho rằng Việt Nam tham gia sẽ ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy vậy, DN chưa hiểu biết cam kết còn gặp nhiều cản trở trong việc tận dụng cam kết.

“Nếu cứ án binh bất động thì làn sóng toàn cầu hóa, tự do hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn diễn ra mạnh mẽ và gây áp lực với kinh tế trong nước”- TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ lo ngại.

Đến thời điểm này đã có thể sơ bộ định lượng hóa tác động của CPTPP đến các ngành kinh tế. Từ đó, mỗi ngành có thể xác định chiến lược phát triển tổng thể, cũng như từng ngành nhằm tận dụng tối đa tác động tích cực và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực. DN cần tận dụng cơ hội từ hiệp định mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường. Quan trọng hơn là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều DN nước ngoài đang “dòm ngó”. Tư duy quản lý, kinh doanh cần được thay đổi. Không chỉ lo xuất khẩu, còn phải chú trọng đáp ứng nhu cầu nội địa, cạnh tranh DN ngoại ngay trên “sân nhà”. Trưởng ban Kinh tế thế giới NCIF Trần Toàn Thắng

Nguồn: Thành Long, Văn phòng BĐLNKT