Tin tức

Năm 2017 là năm khá thành công với ngành sản xuất gỗ xuất khẩu và triển vọng năm 2018 cũng rất sáng sủa. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi về thị trường, ngành còn đối mặt với một số thách thức.

Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục

Theo số liệu của Vibiz, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2017 của Việt Nam tăng 10% so với năm 2016, đạt trên 7,66 tỷ USDĐây là lần đầu tiên xuất khẩu nhóm hàng này vượt mốc 7 tỷ USD/năm, và vượt mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 7,3 – 7,5 tỷ USD.

Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 3,27 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm trước. Đây là những tín hiệu tích cực, phản ánh rõ nét việc mở rộng nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh cho biết.

Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác cũng tăng như: xuất sang Trung Quốc tăng 5%, đạt 1,07 tỷ USD; sang Nhật Bản tăng 4,4%, đạt 1,02 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 15,9%, đạt 665,24 triệu USD.

Trong nhiều năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt khoảng 600 – 700 triệu USD/năm. Dự báo, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, sẽ tạo bứt phá thực sự cho xuất khẩu sang thị trường này và sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020, Tiến sĩ Thành cho biết thêm.

Không dừng lại ở đó, với những tín hiệu khả quan khi Việt Nam đang tham gia tích cực vào các hiệp định song phương và đa phương, cộng với nhu cầu thị trường thế giới khá lớn (khoảng 400 tỷ USD) và cơ chế thông thoáng về thuế quan, ngành gỗ đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào 2020.

Thách thức từ nguồn cung

Để đạt được mục tiêu tham vọng này, từ nhu cầu hiện tại khoảng 30 triệu m3 gỗ/năm, ngành gỗ cần thêm 4 - 5 triệu m3 gỗ/năm. Tuy nhiên nguồn gỗ từ thị trường trong nước chỉ cung cấp được 20 triệu m3phần còn lại các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu.

Năm 2017, theo số liệu Vibiz, kim ngạch nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 2,18 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2016. Trong đó gỗ nguyên liệu nhập khẩu là nhóm mặt hàng chủ đạo trong cơ cấu gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây là một thách thức về nguồn cung không nhỏ khi các quốc gia cung ứng chủ yếu cho Việt Nam như Lào, Campuchia và Myanmar đã thay đổi chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng còn Trung Quốc cũng đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên tạo nên sức ép cạnh tranh thu mua nguyên liệu khá lớn.

Thêm vào đó, với 20 triệu m3 gỗ của thị trường trong nước, chất lượng gỗ rừng trồng cũng còn nhiều hạn chế như đường kính nhỏ, phân cành sớm, năng suất tính trên 1 hecta/chu kỳ chưa cao và mới chỉ có 8% diện tích rừng trồng trên 200.000 hecta được cấp chứng chỉ FSC cũng là một áp lực không nhỏ đối với ngành, khi các năm tới các doanh nghiệp gỗ phải đảm bảo 100% gỗ có chứng chỉ này.

 Cơ hội mới trong năm 2018

Trong vài năm gần đây các khu vực sản xuất đồ gỗ trên thế giới đều không tăng, ngoại trừ châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ khiến đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh. Nhu cầu đồ gỗ nội thất trên thế giới tăng trưởng, trong khi sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2018, triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5-2017.

Những nhân tố trên là tiền đề thuận lợi thúc đẩy ngành gỗ tiếp tục phát triển.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2020, ngành gỗ cần tiếp tục phát huy những thành tựu của năm 2017.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu tạo cây giống, trồng và chăm sóc đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: Minh Phong, Báo Nhân dân