Tin tức

Thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập, tăng trưởng lượng vốn, tỷ lệ giải ngân, thành tích xuất siêu... là những tín hiệu đáng mừng. Song chất lượng vốn và tác động lan tỏa đến nền kinh tế mới là quan trọng nhất. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên TBTCVN.

PV: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết. Bà đánh giá như thế nào về những quy định liên quan đến đầu tư trong CPTPP?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Xét về mặt nội dung, những cam kết đầu tư trong CPTPP được đánh giá ở mức cao nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư (NĐT) so với tất cả những gì cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, hay hơn 60 hiệp định bảo hộ đầu tư song phương mà chúng ta từng có cho tới nay. Phạm vi và vấn đề mà các cam kết này đề cập cũng bao trùm nhất, rộng nhất từ trước tới nay.

Mặc dù vậy, còn nhớ thời điểm đàm phán tập trung nhất về chương đầu tư trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là thời điểm chúng ta sửa đổi Luật Đầu tư 2014 để cải thiện một bước môi trường đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, rất nhiều nội dung lớn trong các cam kết về đầu tư trong TPP đã được chuyển hóa thành các quy định của Luật Đầu tư 2014. Chúng ta đã thực hiện được luật này hai năm rưỡi rồi, vì vậy Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp đã không còn lạ lẫm với các cam kết về đầu tư trong TPP.

Tuy nhiên, CPTPP vẫn còn có những cam kết khác chưa từng có trong pháp luật Việt Nam và nếu phải thực thi sẽ đụng với nhiều hệ thống pháp luật khác, chứ không đơn thuần chỉ là pháp luật về đầu tư. Thêm nữa, cần chú ý rằng Chương Đầu tư trong CPTPP còn có các cam kết hướng tới kết quả cần đạt được, chứ không phải là hành vi hay biện pháp thực hiện. Ví dụ các cam kết về việc dành cho NĐT, CPTPP đối xử công bằng và bình đẳng, bảo hộ an toàn thân thể, bảo đảm quyền công lý… Chúng ta có thể không cần sửa đổi hay bổ sung gì về pháp luật, bởi chúng ta có pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, an ninh… đủ cả. Nhưng để đạt được yêu cầu như trong cam kết thì lại phải xem xét thực tế. Chẳng hạn, nếu cứ để tình trạng vụ việc tại tòa án tồn đọng kéo dài như hiện nay thì liệu chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của CPTPP hay không?...

Vì vậy, tôi cho rằng cam kết về đầu tư trong CPTPP không thực sự mới, cũng không phải quá cao với chúng ta, nhưng việc thực thi cũng sẽ không dễ dàng, ở một số khía cạnh nhất định.

PV: Theo bà, những quy định về đầu tư trong CPTPP sẽ có tác động như thế nào đến việc thu hút FDI vào Việt Nam sau khi CPTPP có hiệu lực?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi nghĩ, tác động của CPTPP đối với việc thu hút FDI vào Việt Nam sẽ đến từ hai khía cạnh: Một là trực tiếp từ các cam kết CPTPP về đầu tư và hai là từ các triển vọng cộng hưởng mà CPTPP mang lại cho nền kinh tế.

Từ góc độ cam kết về đầu tư, CPTPP bao gồm hai nhóm cam kết là mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư và bảo hộ NĐT. Các cam kết này trực tiếp thỏa mãn hai nhu cầu thường trực của bất kỳ NĐT nước ngoài nào. Do đó, CPTPP chắc chắn sẽ khiến NĐT từ CPTPP nói riêng và cả từ các nước khác yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Hiệu quả thu hút FDI vì vậy có thể được kỳ vọng tăng thêm.

Từ góc độ triển vọng thị trường, hiện có nhiều đánh giá với số liệu khác nhau về hiệu quả của CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên tất cả cùng chung một nhận định rằng lợi ích của CPTPP hứa hẹn sẽ mang lại cho Việt Nam dù không lớn như TPP nhưng vẫn là rất đáng kể. Ví dụ theo một chuyên gia Nhật Bản, các cam kết về thuế quan trong CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1% (trong so sánh với mức 6,79% trong TPP), còn cam kết phi thuế quan sẽ giúp GDP của chúng ta tăng thêm 9,29% (không thấp hơn bao nhiêu so với mức 10,9% của TPP). Chúng ta cũng như các NĐT nước ngoài đều kỳ vọng các dự báo này sẽ thành hiện thực. NĐT sẽ nhìn thấy cơ hội để làm ăn, để thu lợi nhuận từ Việt Nam, thậm chí cơ hội từ Việt Nam vươn ra các khu vực khác. Đây sẽ là sức hấp dẫn rất lớn của Việt Nam trong mắt các NĐT nước ngoài.

Do đó, chúng ta rất hy vọng vào một sự gia tăng mới của làn sóng FDI vào Việt Nam sau khi CPTPP có hiệu lực.

PV: Thu hút FDI trong bối cảnh hội nhập, vấn đề không chỉ nằm ở lượng mà quan trọng hơn là chất. Vậy theo bà, để đạt được mục tiêu đó cần chú ý những điều gì?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Đúng vậy, bên cạnh những khoảng sáng về tăng trưởng lượng vốn, về tỷ lệ giải ngân, thành tích xuất siêu… chất lượng và hiệu quả lan tỏa của FDI là những mảng “xám” đáng tiếc trong bức tranh FDI 30 năm qua của chúng ta. Có những dự án FDI hấp dẫn hóa ra chỉ là chuyển bãi rác công nghiệp, chuyển ô nhiễm từ những nước khác sang Việt Nam. Có những ông chủ FDI trốn biệt sau khi để lại những khoản nợ lương, nợ thuế, nợ nhiều nghĩa vụ khác…

Thành thật mà nói, con đường thu hút FDI mà chúng ta đã đi qua không thể tránh khỏi những vấn đề này. Khi chúng ta chưa có nhiều vốn FDI, chúng ta chưa thể quá kén chọn. Nhưng thời đó đã qua rồi. Chúng ta bây giờ hoàn toàn có quyền lựa chọn, để thu hút được các NĐT tốt, các dự án đầu tư có chất lượng cao, vào những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn.

Việc lựa chọn dự án FDI chất lượng tốt liên quan tới nhiều vấn đề. Ví dụ như cần có quy hoạch rõ ràng và khoa học về định hướng phát triển các ngành/dự án chủ đạo cần thu hút đầu tư. Khi có quy hoạch rồi thì lại cần hệ thống các tiêu chí minh bạch để có thể đánh giá chính xác chất lượng các dự án đầu tư dự kiến. Đồng thời, cũng phải đảm bảo được việc kiểm soát tuân thủ các quy hoạch, tiêu chí này trên thực tế, đặc biệt là ở địa phương, tránh tình trạng NĐT bị từ chối ở tỉnh này chỉ cần chuyển hướng sang tỉnh khác là được.

PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thành Chung, Cổng Thông tin ĐT Chính phủ