Thị trường chứng khoán toàn cầu tràn ngập sắc đỏ vào chiều 4-4 trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chực chờ bùng phát sau khi cả hai nước “ăn miếng trả miếng” qua các kế hoạch áp thuế nhập khẩu nhằm vào hàng hóa của nhau.
Hãng tin Bloomberg cho biết ngày 3-4, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách 1.300 sản phẩm của Trung Quốc bị đề nghị áp thuế nhập khẩu 25% khi vào thị trường Mỹ nhằm trừng phạt quốc gia động dân nhất thế giới về hành vi ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Các sản phẩm này, chủ yếu nằm trong các lĩnh vực công nghệ, vận tải và y tế, có giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 50 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
USTR cho biết các sản phẩm được chọn lựa đánh thuế dựa trên nguyên tắc giảm thiểu tác động xấu cho nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ. Ngoài các sản phẩm thuộc các ngành công nghệ cao như vệ tinh viễn thông, linh kiện ô tô, linh kiện tivi, danh sách này còn có các sản phẩm khác như thiết bị y tế, máy rửa chén, máy thổi tuyết...
Danh sách này sẽ được rà soát và đánh giá trong vòng hai tháng tới trước khi chính thức có hiệu lực.
Cuối ngày 3-4, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ và phản đối kịch liệt” kế hoạch áp thuế của Mỹ và nói rằng Trung Quốc sẽ đưa ra biện pháp đáp trả với quy mô và sức mạnh tương ứng nhắm vào “các sản phẩm của Mỹ”.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez dưới thời Tổng thống George W. Bush cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ vì Chủ tịch Tập Cận Bình “không thể chấp nhận được một tình thế giống như ông đang bị uy hiếp”.
Trong tuyên bố đưa vào sáng 4-4, đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Trương Hướng Thần nói rằng kế hoạch áp thuế 25% của Mỹ đối với 1.300 sản phẩm của Trung Quốc là “một sự vi phạm nghiêm trọng và cố tình các nguyên tắc cơ bản của WTO về không phân biệt đối xử và mức thuế trần”. Ông kêu gọi các thành viên WTO cùng hợp lực với Trung Quốc để chống chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh: “Những nước tìm cách ép Trung Quốc hàng phục trước áp lực và đe dọa chưa bao giờ thành công trước đó và giờ đây cũng sẽ không thành công”. Tuyên bố kêu gọi Mỹ từ bỏ kế hoạch áp thuế đối với 1.300 sản phẩm của Trung Quốc.
Đến chiều 4-4, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với 106 mặt hàng của Mỹ bao gồm ô tô, máy bay, đậu nành, rượu whisky, các sản phẩm bắp, bột mì, cotton, nước cam ép... Giá trị kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này sang Trung Quốc đạt 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017.
Tuyên bố nói rằng ngày mà mức thuế trên có hiệu lực sẽ tùy thuộc vào ngày mà Mỹ thực hiện áp thuế nhập khẩu 25% đối với 1.300 sản phẩm của Trung Quốc.
Như vậy, quy mô của hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc dự định áp thuế đúng như răn đe của nước này là sẽ đáp trả với sức mạnh tương ứng. Tuy nhiên, hành động đáp trả của Trung Quốc được đưa ra sớm hơn dự kiến của giới quan sát, làm gia tăng nỗi lo của thị trường về viễn cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, có thể làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu.Gao Qi, chiến lược gia tại chi nhánh Singapore của Ngân hàng Scotiabank (Canada), nói: “Động thái đáp trả của Trung Quốc cứng rắn hơn mức thị trường chờ đợi. Giới đầu tư chưa từng thấy Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu thêm cho các hàng hóa quan trọng và nhạy cảm như đậu nành và máy bay”.
Những cuộc so găng trên thị trường thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đã gây tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Lúc 4 giờ 30 chiều theo giờ Việt Nam, hợp đồng tương lai của chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm 439 điểm (1,83%). Các chỉ số chứng khoán DAX (Đức), FTSE 100 (Anh) và CAC 40. (Pháp) giảm lần lượt 1,3%, 0,45% và 0,53%.
Tại châu Á, chốt phiên giao dịch hôm 4-4, chỉ số Hang Sheng (Hồng Kông) giảm 2,2%, còn chỉ số Kospi (Hàn Quốc) cũng cũng mất 1,4%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng nhẹ 0,13% do thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa trước thời điểm Trung Quốc công bố kế hoạch áp thuế đáp trả Mỹ.
Văn phòng BCĐLNKT