Dự báo trong năm 2018, bức tranh châu Á-Thái Bình Dương vẫn được bao trùm bởi gam màu sáng.
Châu Á-Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tàu trong liên kết kinh tế thế giới, trong năm 2017, đã chứng kiến những sự dịch chuyển quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhìn tổng thể, trong một thế giới có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng tỏ tính năng động, khả năng thích ứng và chuyển đổi để trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Dự báo trong năm 2018, bức tranh châu Á-Thái Bình Dương vẫn được bao trùm bởi gam màu sáng.
* Điểm sáng trong hợp tác kinh tế…
Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, trong năm 2017, châu Á - Thái Bình Dương bị tác động bởi tình trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự kiến, thương mại toàn cầu suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Song, năm 2017 đã ghi dấu những nỗ lực bền bỉ của khu vực mà thành tựu được xem là rất nổi bật đó chính là sự thành công của Năm APEC 2017, với đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hội tụ 21 nền kinh tế thành viên đã trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu. Đây cũng là khu vực có hơn một nửa trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, hướng tới xây dựng Cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Tuyên bố Đà Nẵng cũng nêu ra các vấn đề dài hạn, quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển kinh tế APEC và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng mở ra hướng đi mới cho hợp tác kinh tế các nước thành viên. Việc Mỹ rút lui khỏi TPP tuy làm giảm đáng kể sức mạnh kinh tế của hiệp định, nhưng đã tạo tiền đề để Nhật Bản trở thành quốc gia có vai trò dẫn dắt.
Năm 2017 cũng đánh dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới hàng loạt các nước ASEAN đã phần nào cho thấy tầm vóc cùng những ảnh hưởng của khu vực. Năm 2017 cũng ghi nhận sự đoàn kết của khối trong nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau gần bốn năm đàm phán.
Năm 2017, ASEAN cũng đã thể hiện rõ nỗ lực đi đầu xây dựng và đàm phán các hiệp định thương mại chất lượng cao, với việc ký Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc), cũng như đạt được bước tiến mới trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác để đi đến ký kết thỏa thuận này trong năm 2018. RCEP hứa hẹn tạo thành khối thương mại khổng lồ, chiếm 50% dân số thế giới, 39% GDP và 25% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, góp phần làm cho kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới phục hồi ổn định và chắc chắn hơn.
Đặc biệt, với sự tăng trưởng ngoạn mục, trong năm qua, 3 nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2017 ước đạt 6,8%, tăng 0,1% so với năm 2016. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 trên thế giới, vượt 2 bậc so với năm 2016. Đây là kết quả của 13 tháng liên tiếp tăng trưởng trong xuất khẩu. Còn nền kinh tế nước Nhật cũng không kém cạnh. Chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe với ba mũi nhọn chính là chi tiêu chính phủ, nới lỏng định lượng và cải cách rộng khắp được thực hiện với những tính toán khoa học đã giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau nhiều năm đình trệ.
Để có được kết quả thuận lợi về kinh tế, trước hết cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có sự ổn định về chính trị. Ở Trung Quốc là sự thành công của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIX với việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia siêu cường vào năm 2050, dẫn đầu thế giới cả về kinh tế, văn hóa xã hội lẫn quân sự. Quyết tâm này bước đầu được hiện thực hóa qua cơ chế Vành đai và Con đường, dùng chiến lược đầu tư hạ tầng và tài chính để tạo ảnh hưởng khắp từ châu Á sang châu Âu.
Tại Nhật Bản, ông Shinzo Abe tái đắc cử, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hàn Quốc cũng đã ổn định trở lại sau vụ bê bối “thân tín can thiệp chính trị” của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, ảnh hưởng tiêu cực tới cục diện các quan hệ chính trị, ngoại giao khu vực Đông Bắc Á. Ngày 10-5-2017, ông Moon Jae-in, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử một ngày trước đó, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, mở ra một trang mới ổn định cho đất nước này.
Ngoài ra, sự khởi sắc của hàng loạt nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, như Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã góp phần tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
* … ngày càng hấp dẫn các cường quốc…
Trong năm 2017, khu vực châu Á cũng trở thành tâm điểm khi thu hút sự quan tâm của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Kể từ khi lên nhậm chức, tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong các chính sách của Mỹ.
Trong chuyến thăm lịch sử tới năm nước châu Á (tháng 11-2017), Tổng thống Mỹ Trump đã công bố tầm nhìn mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, chính thức khép lại chính sách “xoay trục” sang châu Á của người tiền nhiệm B.Obama để mở ra một chương mới cho chiến lược của Mỹ đối với khu vực này. Chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được đánh giá là rộng mở hơn về mặt địa lý và tầm nhìn.
Theo các nhà phân tích, dù chưa thể hiện chi tiết đường hướng chính sách mới đối với khu vực, nhưng tầm nhìn chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tác động môi trường khu vực này, dẫn đến những đối sách và phản ứng của các bên liên quan. Theo đó, đối với Mỹ, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có nghĩa là Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là hai cường quốc quan trọng nhất trong chính sách mới này của Mỹ. Do vậy, thời gian tới, Mỹ sẽ có xu hướng ưu tiên trong việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ, và quan trọng là chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được xem là có khả năng đối trọng với “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
* … song căng thẳng quân sự lại dâng cao
Bên cạnh những thành tựu thì năm 2017 cũng là một năm đặc biệt đối với khu vực Đông Bắc Á. Đó chính là mối lo ngại ngọn lửa chiến tranh có thể bùng lên bất kỳ lúc nào sau những lời đe dọa sử dụng vũ lực trên Bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong năm qua và cả năm 2018 tới vẫn là thách thức đối với cộng đồng quốc tế, dẫn tới hàng loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ phía Liên hợp quốc nhắm đến quốc gia này.
Trong năm 2017, CHDCND Triều Tiên đã có đến 16 lần phóng thử tên lửa các loại, trong đó liên tiếp ba lần thử nghiệm gần nhất đều phóng ngang qua vùng trời của Nhật Bản. Nước này cũng đạt bước đột phá trong công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Hai thế hệ tên lửa đạn đạo Hwasong-14 và Hwasong-15 được cho là đã có thể bắn đến lục địa Mỹ. Chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng đạt bước tiến lớn với lần thử bom hạt nhân thứ 6 (vào ngày 3-9-2017) với sức công phá 140 kiloton, lớn nhất trong lịch sử phát triển hạt nhân nước này.
Và cứ sau mỗi vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên lại là một cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc. Vụ thử càng lớn, tên lửa bay càng bay xa, thì tập trận càng quy mô lớn hơn. Những tuyên bố “khai hỏa” cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, khiến bán đảo Triều Tiên nói riêng, khu vực châu Á nói chung, lúc nào cũng như ngọn núi lửa sắp phun trào.
Bước sang năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu xuất hiện tia hy vọng khi mới đây, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nga đều lên tiếng mở cánh cửa đối thoại trực tiếp Washington-Bình Nhưỡng trong tương lai. Ngày 3-1-2018, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị từ phía Hàn Quốc về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 sắp diễn ra tại Hàn Quốc. Dư luận hy vọng kỳ Olympic Pyeongchang 2018 sắp tới, nếu có sự tham gia của Triều Tiên, sẽ trở thành “chất xúc tác” giúp tháo gỡ thế bế tắc nhiều năm nay liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
* Còn nhiều thách thức trong năm 2018
Dự báo trong năm 2018, bức tranh châu Á-Thái Bình Dương vẫn được bao trùm bởi gam màu sáng. Hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ vẫn là xu thế chủ đạo trong cả những năm tới, song để tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, các nước châu Á - Thái Bình Dương cần vượt qua không ít thách thức.
Trước hết đó là việc phải tìm ra những nguồn tăng trưởng mới. Một số nền kinh tế trong khu vực đang bận rộn đuổi theo công nghệ. Mặc dù những nước này đang tiếp cận hoặc đã tiếp cận được những công nghệ mới nhưng vẫn quan ngại về tình trạng trì trệ. Cụ thể, Indonesia đang đối mặt với nguy cơ này trong khi Trung Quốc cũng đương đầu với những rủi ro tương tự; Australia tiếp tục lo lắng về năng suất còn Singapore đang tranh luận về hiệu quả năng suất của họ.
Thách thức lớn thứ hai là phải duy trì đà tăng trưởng của khu vực, thúc đẩy tự do thương mại trong bối cảnh ngày càng nổi lên nhiều những quan điểm chống toàn cầu hóa và chống bảo hộ thương mại. Theo các nhà phân tích, để đối mặt với những thách thức trên, ngoài những bước tiến đã đạt được trong năm 2017 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN) với 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN+6), thì khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tiếp tục hướng đến một sự hội nhập sâu rộng hơn nữa giữa các nền kinh tế trong khu vực. Và nền tảng thuận lợi để hiện thực hóa điều này chính là Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Khái niệm FTAAP ngày càng được chấp nhận như một mô hình lý tưởng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực. Trên thực tế, FTAAP không phải là một ý tưởng mới. Kế hoạch này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2004 và được đưa vào bản tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC năm 2006. Trong cuộc họp APEC năm 2014 tại Bắc Kinh, các nền kinh tế thành viên APEC đã đẩy mạnh tiến trình FTAAP và phác thảo lộ trình cho khu vực này. So với các kế hoạch khác để hình thành một cơ chế thương mại tự do khu vực, FTAAP nhấn mạnh vào tính toàn vẹn, tìm kiếm sự hội nhập khu vực lớn hơn và có thể mở ra tiềm năng to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phân bố giàu nghèo một cách cân bằng.
Bên cạnh đó, khu vực châu Á trong năm tới được nhận định sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; hay mối lo từ các lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở khu vực bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) truyền bá tư tưởng cực đoan; làn sóng tị nạn và chuyển giao chính trị…/.
Nguồn: Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT