Tin tức

Theo ông James W. Fatheree - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Hoa Kỳ, phụ trách khu vực châu Á, hợp tác Việt Nam- Hoa kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nước này rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì các yếu tố dân số, tốc độ tăng trưởng, các tiến bộ trong cải cách kinh tế.

Quan hệ song phương toàn diện

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN gặp gỡ tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Washington. Thủ tướng cũng đã giành thời gian thị sát một số cơ sở thương mại tại New York có sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, Thủ tướng và lãnh đạo nước chủ nhà đã cam kết sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Có thể nói, kết quả tốt đẹp của chuyến thăm xóa tan những nghi ngại về quan hệ thương mại giữa hai nước đã từng xuất hiện khi mà trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump nêu đích danh 16 nước có thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ cần phải rà soát, nghiên cứu để có những biện pháp lấy lại sự cân bằng thương mại, trong đó có Việt Nam.

Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam ngày 12/11/2017 nêu rõ mối quan hệ kinh tế ngày càng được tăng cường và cùng có lợi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam; nhấn mạnh mong muốn chung tạo việc làm và tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và buôn bán ở cả hai nước. Lãnh đạo hai nước cam kết sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại đầu tư song phương thông qua các cơ chế chính thức, bao gồm Hiệp định khung về thương mại và Đầu tư (TIFA); cam kết tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp, trong đó có cá da trơn, tôm, trái xoài; cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và công bằng trong các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử, ôtô và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, lợi thế về cải cách thể chế chính trị, nguồn nhân lực cũng như điều kiện thủ tục đang từng bước thay đổi là cơ sở tốt để doanh nghiệp hai bên bổ sung, tạo lợi thế tốt cho nhau trong quá trình hợp tác.

Có thể khẳng định, chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước đã củng cố thêm lòng tin, tạo sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Duy trì mức tăng trưởng tích cực

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hoa Kỳ 10 tháng 2017, thương mại 2 chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 45,350 triệu USD, tăng 5,1% so với 10 tháng 2016. Trong đó, xuất khẩu từ Hoa Kỳ đạt 6,594 triệu USD, giảm 21,3%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 38,755 triệu USD, tăng 11,4%; thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam trong 10 tháng là 32 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, năm 2017, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ duy trì mức tăng trưởng tích cực suốt 10 năm qua với thặng dư thương mại cao nhất đối với Việt Nam. Về cơ cấu xuất nhập khẩu, nhìn chung chưa có gì thay đổi. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nông sản… Nhập khẩu từ Hoa Kỳ máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Thứ hạng trong danh sách các quốc gia quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ, tính đến hết tháng 10/2017, Việt Nam vẫn duy trì vị trí 12 trong số các quốc gia xuất khẩu hàng đầu sang Hoa Kỳ. 5 cảng hàng đầu xuất nhập khẩu giữa hai nước lần lượt là: Los Angeles, Chicago, New York City, Seattle và New Orleans. 5 cảng này hiện chiếm 65,5% thương mại hai chiều (con số cùng kỳ của năm 2016 là 63,58%).

Vẫn tiềm ẩn nỗi lo…

Dẫu cho đã có sự khởi đầu tốt đẹp, song triển vọng quan hệ mậu dịch hai bên hiện vẫn tồn tại những yếu tố bất ổn. Xu hướng dân túy và bảo hộ thị trường nội địa với những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump trở thành thách thức bao trùm, tác động trực tiếp đến quan hệ thương mại quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng.

Hoa Kỳ thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ các định chế thương mại đa phương bất lợi. Một loạt các giải pháp được thực thi nhằm lấy lại những gì được cho là không công bằng trong sân chơi chung. Luật cải cách thuế được coi là bước đột phá vĩ đại để vực lại nền sản xuất của Hoa Kỳ, kéo theo những hệ lụy đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Quan điểm quyết liệt giành lại sự công bằng trong thương mại quốc tế của Hoa Kỳ dù là chính đáng, nhưng với những đối tác có trình độ phát triển thấp hơn thì đó chưa phải là sự công bằng hợp lý. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có sự ưu ái nào nữa mà phải thi đấu ngang sức. Không còn chuyện cảm thông mà thay vào đó là sự sòng phẳng, có đi có lại trong thương thảo hợp đồng. Lợi thế cạnh tranh từ giá nhân công rẻ không còn mấy hiệu quả, thay vào đó là giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu với hàm lượng công nghệ, chất lượng, yếu tố môi trường, sức khỏe con người, thương hiệu sản phẩm…

Việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP khiến Việt Nam mất đi cơ hội xuất khẩu hàng hóa với thuế suất ưu đãi vào một thị trường tiềm năng, đồng thời cũng lỡ cơ hội giảm phụ thuộc kinh tế vào thị trường tương đồng lân cận. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11/2017, 11 nền kinh tế đã công bố kết quả đàm phán TPP-11 sau khi Hoa Kỳ rút lui và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Không có Hoa Kỳ, về lý thuyết thì có chăng Việt Nam chỉ ít được hưởng nhiều lợi thế hơn trên thị trường nước này như TPP12 chứ không phải là mất hết, bởi thực tế xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đều hàng năm khi chưa có TPP.

Với chủ trương bảo hộ mậu dịch, không ủng hộ tự do hóa thương mại, chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng các chính sách để hạn chế nhập siêu, khuyến khích xuất khẩu để tạo động lực tăng trưởng kinh tế và việc làm cho người dân như: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung sẽ khó khăn hơn khi thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Các sản phẩm dệt may, da giày, điện thoại, máy vi tính, đồ gỗ... gia công cho các công ty Hoa Kỳ có thể sẽ bị đánh thuế cao.

Thay lời kết

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới. Một số ngành hàng như thủy- hải sản, nông sản thực phẩm, các quy định, quy chuẩn khắt khe đối sản phẩm nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh; nhưng về lâu dài, những trở ngại trước mắt đó lại là yếu tố thúc đẩy phát triển bền vững nếu chúng ta chủ động thích nghi, kiên trì giữ thị trường, thực hiện nghiêm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự chuyển hướng sang các thị trường dễ tính chỉ là giải pháp nhất thời, không mang tính bền vững, lâu dài - nhất là đối với những doanh nghiệp đã tạo được chỗ đứng trên thị trường Hoa Kỳ.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có những chỉ đạo để giảm thiểu chi phí hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên xác định đối tượng hỗ trợ là những doanh nghiệp có đủ năng lực thích ứng với thị trường, duy trì quan hệ đối tác, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển bền vững.

Nguồn:  Mai Thủy, Bộ Công thương