Hóa giải những bất lợi sẽ tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nhờ từng bước thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), môi trường đầu tư kinh doanh, kinh tế cũng như thể chế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi vượt bậc, tạo bước thuận lợi lớn cho phát triển doanh nghiệp, chính sách thu hút đầu tư cũng như thay đổi đáng kể cán cân thương mại.
Xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng
Đơn cử như trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong giai đoạn 2007-2017, nhờ nỗ lực thực thi cam kết WTO và một loạt FTA, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm. Tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm trong giai đoạn 2007-2017, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000-2006 là 21,1%/năm.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, sau 10 năm tham gia WTO, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt 31 tỷ USD, cùng với đó là việc tận dụng tốt các Hiệp định FTA. Ông Trường cũng cho rằng, sự tham dự rất sâu vào các FTA cùng với sự chủ động nên các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chinh phục được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc...
“Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào thế giới hội nhập, ngành dệt may mong muốn Chính phủ quan tâm thúc đẩy các FTA thế hệ mới, tham vấn doanh nghiệp trong các đàm phán, hệ thống ngân hàng thúc đẩy thanh toán. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cam kết tự nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA...”, ông Trường cho biết.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, bà Đặng Thị Minh Loan, Phó Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng, có hai thách thức lớn đối với doanh nghiệp, đó là quy mô vốn đầu tư, năng lực sản xuất, thị trường, mạng lưới khách hàng và phát triển đội ngũ lãnh đạo. Doanh nghiệp nhận được nhiều đóng góp vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế nhưng khó tìm được đội ngũ lãnh đạo để mở rộng đầu tư. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn này.
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng mua bán – sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp quốc tế, vì đây là một trong những cách mở rộng quy mô nhanh và hiệu quả. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài sẽ M&A được các doanh nghiệp quốc tế. Hội nhập nhưng phải giữ vững sự độc lập, M&A nhưng vẫn giữ sự chủ động”, bà Loan nhận định.
Biến thách thức thành cơ hội
Chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong nước gặp phải trong tiến trình hội nhập và thực thi các FTA thế hệ mới ngoài những lợi thế đã có, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã rất mở, xuất nhập khẩu đã tăng trưởng cao hơn nhiều so với khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc hiện nay trong hội nhập chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước mà không phải từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Những khó khăn của doanh nghiệp đến từ việc thực thi các FTA được TS. Nguyễn Đình Cung chỉ ra bao gồm: Các hàng rào phi thuế quan hay còn gọi là hàng rào kỹ thuật; các chuẩn mực của các công ty đa quốc gia và một điều quan trọng hơn, đó chính là những thách thức từ nội tại đang kìm hãm khiến các doanh nghiệp trong nước không tận dụng được các cơ hội của hội nhập
Do đó, ông Cung cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có thái độ rất tích cực với các chuẩn mực từ các Hiệp định FTA, các tập đoàn đa quốc gia đã hoạt động ở Việt Nam. Như thế mới có thể tận dụng được cơ hội tiếp cận thị trường nếu như không muốn bị loại bỏ khỏi các cơ hội.
Đối với những khó khăn, thách thức từ nội tại doanh nghiệp trong nước, TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, ngoài việc các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tạo được lòng tin của thị trường, thì các cơ quan nhà nước, các Bộ, ngành địa phương cần phải hiểu doanh nghiệp muốn gì và cần gì, từ đó có những hỗ trợ thiết thực hơn là đi gây khó khăn trong kiểm tra và thanh tra.
“Cải cách đầu tiên chính là thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Tiếp đó là thay đổi thái độ của cơ quan nhà nước trong việc tiếp cận với doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ. Hiểu doanh nghiệp cũng như đối tác của doanh nghiệp nhiều hơn để giải quyết vấn đề nội tại, như vậy mới giúp doanh nghiệp vượt qua được những rào cản từ bên ngoài và tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại”, ông Cung nhận định.
Tại Chỉ thị 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ; chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa VCCI với các đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm khai thác các FTA giữa các Phòng Thương mại, Công nghiệp./.
Nguồn: Mạnh Tiến – Bộ thông tin và truyền thông