Tin tức

Với chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, không ít mặt hàng của VN bị ảnh hưởng.

Đây là chính sách cải cách thuế mới vừa được được công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách này tập trung giảm thuế cho các công ty sản xuất tại Mỹ theo hướng ưu tiên “nước Mỹ trước tiên”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang bị "vạ lây" bởi Mỹ đánh thuế tập trung vào Trung Quốc. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Tin tức đã có trao đổi với chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, đồng thời là CEO Trường Doanh nhân Bizlight:

Thưa LS.TS Bùi Quang Tín, ông đánh giá như thế nào về chính sách cải cách thuế mới của Mỹ?

Có thể thấy, Tổng thống Donald Trump đã có những động thái quyết liệt nhằm làm rõ nguyên nhân thâm hụt thương mại và định hình lại chính sách mà ông gọi là “thương mại công bằng”. Theo đó, các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã dần hé lộ.

Sắc lệnh đầu tiên - có thể gọi là sắc lệnh chống thương mại không công bằng, được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại của người tiền nhiệm Obama mà ông Trump cho là không công bằng, đã được công bố trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung và đối thoại kinh tế cấp cao Nhật - Mỹ.

Sắc lệnh thứ hai - có thể gọi là sắc lệnh chống bán phá giá, yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.

Có nhiều quốc gia khác cũng bị đặt trong "tầm ngắm" của Mỹ. Tuy nhiên, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia và Canada được Mỹ coi là trọng điểm.

Từ việc áp đặt hệ thống thuế biên giới (border tax) cho tới thuế suất cao hơn, việc khởi động lại mối quan hệ thương mại của Mỹ đang đẩy nhiều doanh nghiệp của Việt Nam rơi vào tình thế khó khăn khi mà họ có doanh số xuất phát từ Mỹ.

Ông có thể nói rõ hơn sự tác động của chính sách thuế mới của Mỹ đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Thuế suất cao hơn đánh trên các nhà nhập khẩu ở Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam nhiều hơn mọi quốc gia châu Á khác, cụ thể làm giảm gần 0,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Bởi thời gian qua, Việt Nam ngày càng gắn bó với thương mại toàn cầu, chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang một trung tâm sản xuất mọi thứ từ giày dép cho đến điện thoại thông minh.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu vọt lên mức kỷ lục 177 tỷ USD trong năm 2016; trong đó giao thương với Mỹ chiếm tới 42 tỷ USD, gấp đôi so với thời điểm 5 năm trước. Điện thoại di động và các phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 27%.

Những mặt hàng Việt Nam sẽ bị "vạ lây" bởi chính sách cải cách thuế mới của Mỹ là gì? Vì sao lại là những mặt hàng này, thưa ông?

Năm ngoái, Mỹ quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam tới 5 năm, bất chấp Việt Nam cho rằng điều này là vô lý. “Cuộc chiến” dai dẳng nhiều năm đối với cá da trơn Việt - Mỹ vẫn chưa có hồi kết.

Đầu tháng 11/2017, Mỹ lại chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá đối với tủ đựng dụng cụ nhập từ Việt Nam với mức thuế mà phía Việt Nam phải chịu lên đến 230%, thậm chí còn cao hơn mức 90,4 - 168,93% mà doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu.

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2017, Mỹ tiếp tục công bố sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%, trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.

Năm ngoái, Mỹ cũng đã bắt đầu hai vụ kiện phòng vệ thương mại đối với máy giặt và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ. Đầu năm 2018, Mỹ đã chính thức áp mức thuế phòng vệ thương mại đối với hai mặt hàng này. Việt Nam cũng là một bên liên quan và chịu tác động không nhỏ.

Liên tục các cuộc chiến phòng vệ thương mại như vậy đã xảy ra và rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi thực tế nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng dệt may, thép nguyên liệu… đều có một tỷ lệ khá lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Có thế nói, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của thủy sản, trái cây, gỗ… và đây đều là những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của ngành nông nghiệp Việt Nam. Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể tiếp tục xuất khẩu vào vào thị trường Mỹ trước những rào cản về chính sách thuế mới của Mỹ?

Các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành đánh giá tác động của luật thuế mới của Mỹ đối với kinh tế nước ta.

Hiện nay, khi mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có nhiều chính sách nhắm vào Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ bị… vạ lây.

Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu lớn từ Trung Quốc sẽ dễ bị phía Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá, theo đó các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như thủy sản, dệt may, da giày, thép… sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Vì vậy, các bộ, ngành rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này; đồng thời phải chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, chí ít là không phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Thịnh, Bộ Công Thương