Nhóm hàng xóa bỏ thuế quan từ Hàn Quốc về Việt Nam tập trung vào hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.
Nghị định số 149/2017/NĐ-CP của Chính phủ, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) giai đoạn 2018-2022 đã thay thế Nghị định 131/2016/NĐ-CP ban hành trước đó.
Theo Biểu thuế này, từ đầu năm 2018 có 704 dòng thuế chính thức về 0%.
Về cơ bản, phần lớn các mã hàng trong biểu thuế không thay đổi so với biểu thuế theo Nghị định số 131/2016/NĐ-CP. Nghị định mới cơ bản không phát sinh tác động đến việc thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA, đồng thời đảm bảo tính ổn định của biểu thuế ưu đãi đặc biệt.
Về số dòng thuế, Biểu thuế VKFTA gồm 10.847 dòng thuế với 10.788 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 59 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số, trong đó 317 dòng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Khu công nghiệp Khai Thành GIC.
Về cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, có 10.078 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA năm 2018 không thay đổi so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 92,9% tổng biểu.
653 dòng thuế có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt VKFTA năm 2018 giảm so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 6,87 % tổng biểu và 704 dòng có thuế suất cắt giảm là 0%.
Nhóm hàng xóa bỏ thuế quan tập trung vào hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.
Thương mại 2 chiều Việt Nam – Hàn Quốc đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt có thêm cú hích từ KVFTA có hiệu lực từ cuối 2015.
Hết năm 2017, Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lớn thứ 2 sau Trung Quốc với 61,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 15 tỷ USD, tăng 31,1% (3,5 tỷ USD), nhập khẩu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 45,5% (14,6 tỷ USD).
Nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 31,8 tỷ USD, tăng 53,4% (11,1 tỷ USD).
Nguồn: Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT