Tin tức

Thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ đạt mức kỉ lục 275 tỉ USD trong năm 2017 không khiến Trung Quốc quá đỗi vui mừng mà lại chất chứa mối lo. Đó là thặng dư kỉ lục có thể là “giọt nước tràn li” khiến Washington khởi phát cuộc chiến thương mại để có giảm bớt thua thiệt kinh tế.

Thặng dư thương mại cao kỉ lục

Thặng dư thương mại Trung – Mỹ quá lớn là mối lưu tâm lâu nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Và cho dù đã thực hiện nhiều bước đi thì thặng dư của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, thặng dư thương mại nước này với Mỹ tăng 8,6% hàng năm lên 275,8 tỉ USD năm 2017 – tương đương khoảng 65% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Huang Songping, phát ngôn viên Tổng cục Hải quan, dự báo giao thương Trung – Mỹ sẽ có nhiều khó khăn trong năm 2018 và khó duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.

Những con số về thặng dư thương mại kỉ lục được đưa ra vào thời điểm bất lợi với Trung Quốc. Nhằm giảm thua thiệt trong giao thương với Trung Quốc, Washington thời gian qua đã tính toán các biện pháp gây áp lực với Trung Quốc, bao gồm thuế quan, trừng phạt và thậm chí cả chiến tranh thương mại.

Tổng thống Trump đang cân nhắc đưa ra quyết định “hành động cưỡng bức” đối với Trung Quốc như đánh thuế cao sản phẩm pin mặt trời, thép và thậm chí điều tra cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ đối với các công ty Trung Quốc – theo gợi ý của các cố vấn thương mại theo đường lối “hiếu chiến”.

Từ phụ thuộc thành đối đầu

Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng do những tranh cãi thương mại kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Trump hồi tháng 11. Trước đo, ông Trump còn ca ngợi “quan hệ rất, rất tuyệt vời” với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Trump gọi hố sâu thâm hụt thương mại với Trung Quốc – mà theo Mỹ là còn lớn hơn mức 100 tỉ USD như Bắc Kinh công bố - là “xấu hổ” và “kinh khủng” trước chuyến thăm Trung Quốc. Căng thẳng đã hạ nhiệt sau khi Trung Quốc có những nhượng bộ trong chuyến thăm này, bao gồm cam kết mở rộng hơn thị trường tài chính Trung Quốc và kí các hợp đồng trị giá 250 tỉ USD.

Tuy nhiên, quan hệ song phương nhanh chóng xấu đi trong vài tuần qua do những rạn nứt thương mại và khiêu khích hạt nhân của Triều Tiên. Ông Trump tháng trước “dán nhãn” Trung Quốc là đối thủ chiến lược trong chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình và nói rằng Mỹ sẽ không còn ngồi im hứng chịu “xâm lăng kinh tế” hoặc các hoạt động thương mại “xấu chơi”.

Theo các chuyên gia thì đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ của Washington với Bắc Kinh đang chuyển từ phụ thuộc kinh tế sang đối đầu – bằng chứng là Đối thoại Kinh tế Toàn diện (CED) – mà 2 ông Tập và Trump khởi xướng trong hội nghị thượng đỉnh 2 nước đầu tiên hồi tháng 4 – đã chính thức bị huỷ bỏ.

Xúc tiến CED hồi tháng 7 không mang lại kết quả hữu hình nào, mà chỉ đi tới đồng thuận 2 bên duy trì liên lạc về những chính sách kinh tế lớn và hợp tác xây dựng thu hẹp thâm hụt thương mại – theo tuyên bố chung.

Wei Jianguo, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, cảnh báo rằng “kiểu” phán đoán và hành động vội vàng của Washington thực sự là mối quan ngại.

Michael Pettis, giảng viên lĩnh vực tài chính Đại học Bắc Kinh, cũng cảnh báo môi trường thương mại sẽ xấu hơn nhiều trong thời gian tới. “Lịch sử cho thấy, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ tổn hại lớn cho các phía. Trung Quốc, Nhật Bản và Đức là những nước đã tổn hại nhiều nhất bởi những vấn đề thương mại này” – Pettis nói.

Washinton cho thấy những dấu hiệu sẵn sàng hành động mạnh mẽ. Mùa hè năm ngoái, Mỹ tiến hành điều tra xâm phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc theo Điều 301 Luật Thương mại Mỹ.

Gao Feng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng 2 nước cần kiểm soát bất đồng qua đàm thoại để tránh leo thang thành xung đột.

Tuyết Minh, Văn phòng BCĐLNKT