Theo các chuyên gia kinh tế, cần tính toán đến tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018 có tới 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng vào Việt Nam, tương ứng khoảng hơn 16.200 dòng thuế sẽ về mức 0%.
Cụ thể, các FTA có hiệu lực làm giảm thuế nhập khẩu gồm Việt Nam - ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc - New Zealand, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu. Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố 10 nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA này, áp dụng cho giai đoạn 5 năm từ năm 2018.
Theo FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), sẽ có 588 dòng thuế được giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% trong năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép; máy móc thiết bị điện, điện tử; nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo...
Còn theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA), tính đến năm 2018 đã có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0%. Và trong năm nay sẽ có thêm 3.720 dòng thuế tiếp tục về 0%, trong đó có nhóm hàng sữa và sản phẩm từ sữa, ôtô và phụ tùng linh kiện ôtô, sắt thép và sản phẩm từ thép.
Biểu thuế Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cũng quy định cắt giảm 704 dòng thuế về 0% từ năm 2018, tập trung ở các mặt hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử...
Tương tự như vậy, FTA Việt Nam - Chile cũng đưa thuế suất về 0% đối với các mặt hàng thức ăn gia súc đã chế biến, hóa chất vô cơ, hoá chất hữu cơ nhựa, gỗ, sắt thép, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ... Đáng chú ý là hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ khu vực ASEAN trong biểu thuế ASEAN (ATIGA) đã tiếp tục đưa thuế nhập khẩu về 0% từ ngày 1/1/2018 đối với các mặt hàng như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, sữa...
Theo đại diện của Bộ Tài chính, việc thay đổi thuế suất này chỉ tác động tới khoảng 10% các dòng thuế suất, là số lượng tương đối nhỏ. Do đó, thu ngân sách năm nay sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí là không ảnh hưởng khi 10 nghị định có hiệu lực.
Vấn đề này cũng được xác nhận lại qua con số thống kê của Tổng cục Hải quan. Theo đó trong năm 2017 vừa qua, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam có tới 91,4% là máy móc, nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất, tăng 0,2% so với năm 2016; và nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ còn 8,6%. Như vậy, phần lớn các sản phẩm có thuế suất giảm về 0% là thuộc về nhóm hàng tiêu dùng, chiếm tỷ trọng chưa tới 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, trong năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá có thuế của Việt Nam đạt 89,08 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng có số thu lớn và đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể đó là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 18,45 tỷ USD tăng 5,7% làm tăng thu hơn 3.100 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 18,7% làm tăng thu hơn 2.000 tỷ đồng; xăng dầu các loại đạt 10,5 triệu tấn, trị giá 5,66 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 36,6% về trị giá làm tăng thu 6.650 tỷ đồng…
Như vậy, có thể thấy trước mắt việc giảm thuế nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ; trong khi các nhóm máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu, sẽ duy trì mức thuế suất như hiện nay. Vì vậy, việc giảm thuế có tác động không lớn như giải thích của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần tính toán đến tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng. TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế phân tích, các sản phẩm có mức thuế được giảm về 0% đều là nhóm hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được, do đó chắc chắn hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước ASEAN cũng như các quốc gia có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, vừa qua Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hoá trong nước, như vậy chắc chắn sẽ tác động tăng giá lên tất cả các hàng hóa và dịch vụ của DN trong nước.
Ông Doanh lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, thực tế là hàng hóa Việt Nam đã bị hàng hóa rẻ hơn có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản lấn sân mạnh mẽ, dần chiếm lĩnh thị phần. Tới đây khi thuế nhập khẩu tiếp tục giảm, nếu lại tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng sản xuất trong nước, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và khó cân sức hơn, mà phần thua thiệt nghiêng về phía DN Việt Nam.
Mai Thủy, Bộ Công Thương