Tin tức

CPTPP giờ không còn là nơi để dự báo, cần nhận diện càng rõ càng tốt 10 nền kinh tế còn lại để có đối sách phù hợp nhằm đạt được hai tiêu chí "Toàn diện" và "Tiến bộ".

Năm 2018, sự kiện 11 nền kinh tế hai bên bờ Thái Bình Dương thông qua Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhiều tờ báo lớn trong nước và quốc tế lựa chọn là sự kiện kinh tế tiêu biểu của năm.

Điều đó phần nào chứng tỏ CPTPP được dự báo có sức ảnh hưởng không hề nhỏ đến kinh tế thế giới trong thời gian tới. Những quốc gia là thành viên - dĩ nhiên có lý do để vui mừng, ngược lại những nền kinh tế ngoài khối sẽ gặp ít nhiều trắc trở khi phải đối mặt với một liên minh được thiết kế luật chơi riêng chặt chẽ, trong đó có những “gã khổng lồ”.

CPTPP lợi hại ra sao với Việt Nam? Mấy năm qua đã được phân tích nhận định rất nhiều, đương nhiên, mức độ sát thực thế nào cần có thời gian để chứng minh và còn phụ thuộc vào thái độ của chúng ta.

Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch, luôn đúng trong mọi trường hợp: “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bởi vì, 11 nền kinh tế trong CPTPP vừa là đối tác vừa là đối thủ một cách trực diện chứ không mơ hồ.

CPTPP đã có hiệu lực từ 30/12 ở 6 quốc gia. Về lâu dài, để cạnh tranh “Toàn diện” và “Tiến bộ” như tên gọi. Việt Nam - ít nhất có 10 chiến lược riêng biệt với 10 thành viên còn lại, vì mỗi thành viên/nền kinh tế có những đặc trưng khác nhau.

Bài viết phân tích và đưa ra nhận định về nền kinh tế của 6 nước thành viên mà Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 30/12.

1. Australia

Được coi là hòn đảo lớn nhất thế giới, Australia là quốc gia duy nhất trên trái đất được thừa nhận là 1 châu lục riêng biệt! Đây là quê hương của những người từ 200 quốc gia khác nhau. Đa dạng văn hóa ở nước này chính là một thách thức đầu tiên với các thành viên trong thực hiện cam kết CPTPP.

Từ năm 1991 đến nay kinh tế Australia chưa hề suy thoái, đây có thể xem là nền kinh tế vững chắc nhất CPTPP. “Xương sống” là ngành dịch vụ (chiếm 68% GDP) tiếp đến là nông nghiệp và khai khoáng.

Nông nghiệp “sạch” hay công nghệ cao là một trong những thương hiệu của quốc gia này. Với khoảng 10 triệu dân trong độ tuổi lao động, xứ sở chuột túi tạo ra khối lượng GDP hơn 1.300 tỷ USD, bình quân trên 74 ngàn USD/ người. Là một trong những thị trường "khó tính" bậc nhất thế giới.

Australia là một quốc gia dịch vụ, không khó hiểu khi những mặt hàng họ cần là máy móc và giao thông vận tải, thiết bị điện và viễn thông; dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô…
Việc xâm nhập thị trường Australia với nông sản - tư cách là thế mạnh của Việt Nam không dễ dàng chút nào. Thực tế đã được chứng minh từ nhiều năm nay, trong khi đó nông sản từ Australia (thịt bò, trái cây, các sản phẩm từ cá hồi…) là “model” tiêu dùng ở phân khúc khách hàng tầm cao ở Việt Nam.

Đây là nền kinh tế có chỉ số tự do thuộc top đầu thế giới, song luôn khắt khe với các tiêu chuẩn nhập khẩu, xuất khẩu.

2. Canada

Có một câu chuyện phản ánh một sự thật ở đất nước này: Nếu bạn gặp một người Canada ở đâu đó và thực hiện một đặt cược với anh ấy rằng, anh ta làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ. Khả năng 70% bạn sẽ giành chiến thắng!

Canada là một thành viên của khối G7+1, một nền kinh tế dịch vụ đúng nghĩa khi lĩnh vực này chiếm 70% GDP - tương ứng với tỷ lệ chiến thắng của cá cược như câu chuyện trên.
Khai thác gỗ, dầu mỏ cùng với sản xuất ôtô là những ngành kinh tế công nghiệp chủ đạo. Canada có dung lượng thị trường gần 40 triệu dân, khối lượng GDP ước đạt 1.600 tỷ USD, bình quân 50 ngàn USD/ người.

Đây là nền kinh tế có nhiều nét tương đồng với Mỹ, về cả thể chế kinh tế lẫn mô hình sản xuất. Vì vậy, kinh tế Canada phụ thuộc rất lớn vào Mỹ, đặc biệt nước này sẽ phải thực hiện song song hai hiệp định USMCA với Mỹ và CPTPP không có Mỹ.

Trong số những đối tác xuất - nhập khẩu nòng cốt, Việt Nam hầu nhưng vắng bóng. Vì vậy, đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt chưa khai phá được nhiều, nhất là sản phẩm nông nghiệp.

Canada là nền kinh tế có chỉ số tự do cao, độ mở lớn, bằng chứng là ngành ngoại thương đóng góp phần lớn vào GDP, đặc biệt là các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên - luôn là top 10 quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Các mặt hàng nhập khẩu chính: máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các bộ phận, thiết bị điện tử, dầu thô, hóa chất, điện, hàng tiêu dùng lâu bền. Khá ăn khớp với thế mạnh của Việt Nam khi Canada chủ yếu xuất khẩu máy móc công nghiệp, động cơ, thiết bị viễn thông, hóa chất…

3. Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản được tạo ra bởi ý chí kiên cường mang "tinh thần samurai", dựa trên tính kỷ luật, trật tự và một năng suất lao động đáng kinh ngạc. Trong khi - đây là một trong những nơi nghèo tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới!

Với nhiều người Việt Nam,  Nhật Bản là một quốc gia/hình mẫu quá quen thuộc về mọi thứ, cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nếu nói không quá, đây là tấm gương cần học hỏi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Là số ít ỏi trong mấy chục nền kinh tế ở Châu Á vươn lên trở thành siêu cường sau chiến tranh thế giới thứ II, có nhiều mặt đuổi kịp, thậm chí vượt Mỹ như công nghiệp điện tử, ôtô.
Nhật Bản hiện là nền kinh tế thứ 3 thế giới tính theo GDP - khoảng 5.000 tỷ USD. Nhưng đã trải qua quá trình đầy thăng trầm, từ “thần kỳ” những năm 1960 - 1970 đến suy thoái những năm 1990 và có dấu hiệu phục hồi chậm trong những năm gần đây.

Là một nền kinh tế dịch vụ đẳng cấp cao, nhưng nông nghiệp và công nghiệp của Nhật Bản cũng thuộc hàng hiếm có trên thế giới.

Hiệp định đối tác Thương mại Việt - Nhật (VJEPA) được ký kết cách đây 10 năm. Vấn đề lớn nhất của hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản là chất lượng. Trong khi đó, Nhật Bản là một trong những nơi cung ứng nguồn FDI và ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và "căn bệnh công nghiệp" trầm kha tạo ra những góc khuất u tối trong xã hội. Hay nói cách khác, khủng hoảng nhân lực ở xứ sở hoa anh đào mang lại cơ hội cho những nước có cơ cấu dân số trẻ như Việt Nam.
Những năm gần đây, diễn biến thương mại Việt - Nhật có hiều hướng tích cực, nhưng cường độ không lớn: Xuất khẩu sang Nhật từ 11 tỷ USD năm 2011 lên 16,8 tỷ USD năm 2017, trong khi đó con số nhập khẩu tương ứng là 10,4 tỷ USD lên 17 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2014, Việt Nam luôn thặng dư trong trao đổi hàng hóa với Nhật Bản; trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2015 đến 2017), cán cân thương mại hàng hóa lại đảo chiều sang trạng thái thâm hụt.
Có thể nói rằng, Nhật Bản là nền kinh tế mà Việt Nam thấu hiểu nhiều nhất trong 10 nền kinh tế còn lại của CPTPP.

Như vậy 3 trong số 6 nền kinh tế đầu tiên mà CPTPP có hiệu lực đều là những đối tác - đối thủ cực mạnh, khác biệt cơ bản về thể chế, cung cách vận hành, các tập quán xã hội lẫn phong tục văn hóa so với Việt Nam.

4. Singgapore

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng như sau về Việt Nam: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Với diện tích chỉ bằng huyện Cần Giờ (TPHCM) và 5,5 triệu dân, nhưng đảo quốc Sư tử là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người.

Singgapore cũng là một nền kinh tế dịch vụ đẳng cấp cao - chiếm 73% GDP, có thể mô tả ngắn gọn: “mua nguyên liệu thô + chế biến sâu = xuất khẩu”, dầu mỏ, nước ngọt là một ví dụ.

Các mặt hàng chính của ngành công nghiệp Singapore là điện tử, hóa chất, thiết bị khoan lọc dầu, chế biến cao su và các sản phẩm từ cao su, thực phẩm chế biến và đồ uống, sửa chữa tàu biển, xây dựng, công nghệ sinh học.

Mặc dù quy mô thị trường không lớn (tính theo dân số) nhưng Singgapore là nơi nhập khẩu hầu hết các nhu yếu phẩm.Việt Nam hoàn toàn có thế trở thành nhà cung cấp rất nhiều mặt hàng cho Singgapore, đồng thời tham khảo mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, Singgapore là một đất nước “sạch” theo nhiều nghĩa, một Chính phủ hiệu quả, giáo dục phát triển, chính sách thuế ưu việt…

Ông Lý Quang Diệu từng khẳng định với Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2007, rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

5. New Zealand

Đây là nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu trên thế giới, dựa vào đó, kinh tế New Zealand tăng trưởng đáng kinh ngạc từ năm 1990 đến nay và được xếp hạng “một trong những nơi văn minh nhất thế giới”. Ngoài ra, New Zealand còn đứng đầu trên thế giới về chỉ số phát triển xã hội (SPI), con người (HDI).

Các ngành trọng điểm của kinh tế New Zealand chính là: nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; ngoài ra còn có năng lượng. 

Đây là thị trường mà các mặt hàng may mặc, da dày điện tử của Việt Nam có thể tăng cường “đổ bộ”. Ngược lại nông sản Việt vào New Zaeland luôn gặp khó khăn bởi chốt chặn chất lượng.

Ngoài ra, New Zaeland còn có một ngành kinh tế “dịch vụ giáo dục” rất có uy tín, là điểm đến lý tưởng cho du học sinh Việt Nam.

Tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm chính thức đến New Zealand, đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, thương mại…

Việt Nam và New Zealand đã thiết lập đối tác toàn diện từ năm 2009, đến nay thương mại hai chiều đạt 1,3 tỷ USD, mặc dù có hiều hướng tăng nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch của Việt Nam.

6. Mexico

Mexico là một trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô thị trường 130 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội đạt 1,1 ngàn tỷ USD.

Cũng như Canada, kinh tế Mexico phụ thuộc rất lớn vào Mỹ, năm 2018, 81% xuất khẩu của nước này đều ở thị trường Mỹ.

Nhiều năm nay Mexico bị gắn chặt với Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nay là USMCA. Và một số quốc gia Nam Mỹ; ở Châu Á, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico.

Các cơ quan tài chính đánh giá chính sách thuế mới của Mỹ sẽ có thể tạo ra một làn sóng thoái vốn đầu tư khoảng 9 -11 tỷ USD ở Mexico và tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh trong năm 2019 giảm xuống.

Việc tham gia CPTPP được coi là một lối ra của Mexico, khi họ có thể giao thương mạnh mẽ hơn với các nền kinh tế ở bên kia Thái Bình Dương.

Mexico là nước công nghiệp hiện đại, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện tử, dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ, máy bay, bạc, máy vi tính và máy chủ, màn hình LCD, công nghệ sinh học, động cơ ô tô, điện thoại di động, kim loại, thiết bị công nghiệp.

Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mexico khoảng 5 tỷ USD. Các mặt hàng chủ đạo mà Việt Nam xuất sang đất nước Trung Mỹ là dệt may, da giày, thủy sản.

Như vậy, trong 6 nền kinh tế đầu tiên mà CPTPP có hiệu lực, Việt Nam là “chú bé tí hon” nếu xem xét qua các con số lượng hóa. Dự báo là rất khó khăn khi một loạt các điều kiện bị nới lỏng hoặc thắt chặt, đặc biệt hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ.

Song, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tận dụng mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội từ các thành viên CPTPP. Vì đây là 10 nền kinh tế/ quốc gia rất đa dạng tiềm lực.

Nguồn: Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT