Với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang chuyển biến theo xu hướng tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và nông, lâm, thủy, hải sản.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, 10 tháng năm 2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch 33,48 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc gồm: Điện tử, máy vi tính - linh kiện; nông sản; dệt may - giày dép các loại…
"Điều đáng mừng là hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và hàng nông, lâm, thủy sản; giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản" - ông Thành nhận xét.
Về triển vọng xuất khẩu trong thời gian tới, bà Du Hải Yến - Phó Hội trưởng Hội xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT China)- cho hay, Trung Quốc ngày càng cải cách và mở cửa thị trường, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, việc các hiệp hội doanh nghiệp (DN), tổ chức xúc tiến thương mại Việt - Trung không ngừng kết nối cộng đồng DN hai bên cũng là lợi thế.
Dự báo, thời gian tới, xuất khẩu nông - thủy sản sang thị trường Trung Quốc còn tiếp tục tăng mạnh. Với mặt hàng thủy sản, do nhu cầu cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, cá đóng hộp tẩm gia vị... nên nước này đang tăng nhập khẩu. Hay với mặt hàng gạo, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này vẫn tích cực cho dù bị áp thuế cao.
Mong muốn nâng cao hơn nữa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc, thời gian qua các đơn vị xúc tiến của Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả cho DN.
Trung tuần tháng 11/2018, VCCI đã phối hợp cùng Sunny World Corp thành lập Gian hàng xúc tiến thương mại vào Việt Nam (Vietnam Hub) tại Trung tâm Thương mại Greenland Global Commodity Trading Hub, Hồng Kiều (Thượng Hải, Trung Quốc). Tại đây sẽ thường xuyên diễn ra các hoạt động giới thiệu thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như trái cây, lương thực, thực phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh sơn mài... Ngoài ra những chi tiết thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam như nón lá, áo dài cũng được trưng bày khéo léo tại gian hàng nhằm thu hút các doanh nghiệp và du khách. Trong năm 2018, Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đã tổ chức nhiều đoàn DN qua Trung Quốc khảo sát, tìm hiểu và thâm nhập thị trường. Từ đó giúp DN đưa ra những chiến lược tiếp cận hiệu quả. Dự kiến các hoạt động này sẽ tiếp tục được thực hiện nhiều hơn trong năm 2019.
Từ phía Trung Quốc, chính quyền nước này cũng có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Ông Dương Tú Hữu - Phó Tổng thư ký UBND TP. Thẩm Quyến (Trung Quốc) - cho biết, địa phương này luôn tạo điều kiện cho DN hai bên mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguồn: Báo Công Thương