Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên châu Á-Thái Bình Dương (CPTPP) là "sân chơi" của 11 quốc gia, có hiệu lực thực thi sớm nhất vào năm 2019. Việc các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại là một trong những thuận lợi đầu tiên cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Nông, lâm, thủy sản khi xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP, với thuế suất phổ biến từ 5-10% hiện nay sẽ được hạ xuống 0%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả, thủy sản... chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đều được xem là sẽ có nhiều lợi thế.
Cơ hội từ xoá bỏ thuế
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhận định, với CPTPP cơ hội đối với ngành gỗ nhiều hơn là thách thức. Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore... Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile...
Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn. Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0 sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Việc ký kết CPTPP cũng sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico... Điển hình với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thành viên của CPTPP. Như vậy, mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế so với hai nước trên tại thị trường lớn trong khối CPTPP.
Với mặt hàng tôm, đối thủ đứng đầu là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu.
Theo nhiều chuyên gia, rau quả đang là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt trội, với giá trị 10 tháng đầu năm 2018 đã lên tới 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tới 74% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta, và luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Kế đến là Thái Lan, Hàn Quốc.
Xuất khẩu rau quả vào cả 2 thị trường này đều đạt mức tăng trưởng cao: đạt 35% ở Thái Lan và 24,2% ở Hàn Quốc trong 10 tháng đầu năm nay. Hiện Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc chưa phải là thành viên CPTPP, nhưng cả 3 nước này đang xem xét gia nhập CPTPP. Nếu điều này thành hiện thực, thì rau quả Việt Nam khi xuất khẩu vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan sẽ có cơ hội tăng mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do rau quả Việt Nam vận chuyển đến các thị trường ở xa đang phải chịu chi phí vận chuyển cao, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng lớn, đã giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ. Vì vậy, cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.
Thách thức từ đòi hỏi chất lượng cao
Bên cạnh những sản phẩm thế mạnh, cũng có các sản phẩm như mía đường, chăn nuôi... sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính tại thị trường trong nước.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, khi CPTPP có hiệu lực thi hành, các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh như Canada, Australia... sẽ khả năng ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước.
Ông Trần Duy Khanh, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lo ngại, các sản phẩm chế biến như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng... sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Bởi lẽ trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn. Đến nay, việc tham gia CPTPP với mức thuế giảm xuống 0% sẽ càng tạo áp lực lớn hơn cho ngành chăn nuôi trong nước.
TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, một trong những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường các nước CPTPP, những nông sản Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như: gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản... cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận, mở rộng thị trường.
Do vậy, thách thức đối với các doanh nghiệp đến từ việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, quản lý lao động và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối. "Ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và chất lượng theo các cam kết", ông Tuấn khuyến cáo.
Nguồn: Thanh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn