Tin tức

Trong năm 2017, Australia là quốc gia xếp thứ 14 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới. Trong năm 2017, Việt Nam chỉ còn thặng dư 116 triệu USD trong trao đổi thương mại với Australia, mức thấp nhất được ghi nhận trong 5 năm qua. Cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia còn rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Australia và dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Úc tại Sydney từ ngày 14 đến 18/3.

Trong năm 2017, Australia là quốc gia xếp thứ 14 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong các năm qua, Australia luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia có mức xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam.

Tính riêng trong năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia sơ bộ đạt 6,45 tỷ USD, tăng 22,7% so với kết quả thực hiện trong năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Australia đạt 3,28 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2016, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác thương mại trong năm 2017.

Nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Australia vào Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 30,5% so với năm 2016, chiếm 1,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước trong năm 2017.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận trong các năm qua, Việt Nam luôn thặng dư cán cân thương mại trong trao đổi hàng hóa với Australia, tuy nhiên mức thặng dư cán cân thương mại lại đang theo chiều hướng giảm dần.

Nếu như trong hai năm 2013-2014, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam với Australia tương ứng là 1,76 và 1,84 tỷ USD thì bước sang các năm 2015 và 2016 mức thặng dư giảm mạnh xuống chỉ còn lần lượt 816 triệu USD và 403 triệu USD. Trong năm 2017, Việt Nam chỉ còn thặng dư 116 triệu USD trong trao đổi thương mại với Australia, mức thấp nhất được ghi nhận trong 5 năm qua.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường lớn nhất châu Đại Dương này trong những năm qua chủ yếu chú trọng vào các nhóm hàng máy móc phụ tùng, thiết bị điện tử, giày dép, dệt may và thủy sản. Trong đó, tính riêng trị giá xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại & linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2017 đã đạt 1,02 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Australia.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính khác của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này  bao gồm: dầu thô: 262 triệu USD, tăng mạnh 105% so với năm 2016; giày dép; thủy sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác,...

Nhập khẩu các mặt hàng chính có xuất xứ từ Australia được các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu trong năm 2017 bao gồm: kim loại thường; than đá; lúa mỳ; bông,…

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan trong tháng đầu tiên của năm 2018, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Australia đạt 595 triệu USD, tăng mạnh 58,9% so với tháng 01/2017; trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 305 triệu USD, tăng 42,8% so với tháng đầu tiên của năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa là 290 triệu USD, tăng mạnh 80,2%.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong ấn phẩm thường niên Trade Profiles 2017 ghi nhận trong các năm gần đây Australia là 1 trong 30 quốc gia có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu của quốc gia này tập trung vào các nhóm hàng nguyên liệu, khoáng sản (chiếm tỷ trọng 57,3%) và nhập khẩu của Australia chủ yếu là các sản phẩm chế tạo (chiếm tỷ trọng 75,7%).

Theo WTO, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Australia với tỷ trọng chiếm 31,6%. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Australia tiếp theo là: Nhật Bản: 13,9%; Liên minh châu Âu (EU28): 7,5%; Hàn Quốc: 6,7%,... Ở chiều ngược lại, Australia lại chủ yếu nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với tỷ trọng là 23,4%; tiếp theo là các hàng hóa có xuất xứ từ EU, chiếm 19,3%; Hoa Kỳ: 11,5%; Nhật Bản: 7,7%; Thái Lan: 5,7%...

Về xuất nhập khẩu dịch vụ, WTO ghi nhận Australia thuộc nhóm 30 các quốc gia có trao đổi thương mại dịch vụ lớn nhất trên thế giới. Trong đó, các dịch vụ chủ yếu của Australia bao gồm: giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ thương mại khác...

Theo thống kê của Cơ quan Thống kê quốc gia Australia (ABS) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), trị giá xuất khẩu dịch vụ của nước này sang Việt Nam trong năm 2014 là 1,167 tỷ Đô la Australia, trong đó xuất khẩu dịch vụ liên quan đến giáo dục chiếm 87%. Ở chiều ngược lại, DFAT cũng ghi nhận nước này nhập khẩu dịch vụ từ Việt Nam là 843 triệu Đô la Australia, trong đó dịch vụ du lịch chiếm 68%.

Theo Bộ Công Thương, từ khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010 đến nay, với lộ trình giảm thuế khá mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm.

Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), năm 2018, Australia sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia.

Trong khi đó, hiệp định RCEP là một hiệp định thương mại tự do (được khởi xướng giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Dealand) cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho quan hệ Việt Nam - Australia. Đàm phán RCEP chính thức bắt đầu từ tháng 11/2012 và hiện đã đến vòng đàm phán thứ 21.

Cùng với đó, việc Hiệp định CPTPP vừa được ký kết vào ngày 8/3 mà Australia là một thành viên tích cực sẽ tạo ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào quốc gia này.

Nguồn: Văn phòng BCĐLNKT