Mỹ đã nhường lại vai trò lãnh đạo của mình về thương mại cho châu Á.
CPTPP không có Mỹ
Ông Dương Ngọc Minh đôi khi được gọi là "vua cá tra" của Việt Nam vì vai trò của ông trong việc tạo ra một thị trường toàn cầu cho cá panga (gồm cá tra và cá basa), một loại cá được biết đến với giá rẻ, thịt trắng và hương vị nhẹ. Loại cá này được nuôi trong các hồ rải rác khắp vùng ĐBSCL của Việt Nam, tạo ra nguồn cung dồi dào với chi phí tối thiểu. Và khi nhu cầu về hải sản của thế giới đã tăng lên trong những năm gần đây, thì Công ty Cổ phần Hùng Vương (HoSE: HVG) của ông Minh cũng phát triển mạnh.
Ông Minh, giống như những người khác trong ngành thuỷ sản của Việt Nam, đã hy vọng rất nhiều vào Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương ban đầu (hay còn gọi là TPP-12), coi đây là một cách để tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn. Nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận thương mại năm ngoái, Minh đã buộc phải đánh giá lại mong đợi của ông.
Trong khi Mỹ vẫn sẽ là một thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng cho công ty của ông và cho Việt Nam, ông Minh nói rằng việc duy trì mức độ xuất khẩu hiện tại của Hùng Vương sẽ là một thách thức, với chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ, ông Minh nói rằng công ty của ông sẽ vẫn được hưởng lợi từ Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh thu bán hải sản của Hùng vương cho Nhật Bản, Canada và Australia lên đến 20 triệu USD vào năm ngoái, nhưng hy vọng cuối cùng sẽ tăng 30% sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký giữa các quốc gia được gọi là TPP 11 tại một buổi lễ tại Santiago, Chile, ngày 8.3 .
Với TPP có Mỹ, Việt Nam đã hy vọng sẽ tăng đáng kể xuất khẩu quần áo, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản sang Mỹ, cũng như Canada, Mexico và các nước khác trong quan hệ đối tác. Nhưng các nhà phân tích thương mại nói rằng thỏa thuận CPTPP tạo ra nhiều tiềm năng và cho phép Việt Nam đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nền kinh tế nhanh hơn nhiều so với các biện pháp khác.
Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất đối với CPTPP không phải là chi tiết của hiệp định mà là việc các thành viên của nó có thể đạt được một thỏa thuận mà không có Mỹ, nước từ nhiều thập kỷ nay luôn đề cao thương mại tự do. Người ta từng tin rằng TPP sẽ sụp đổ nếu không có Mỹ, nhưng Nhật Bản và những nước khác muốn duy trì hiệp định và thành công của họ trong việc thúc đẩy hiệp định là một điều gây ngạc nhiên đối với nhiều người.
Bối cảnh buổi lễ ký kết hiệp định ở Santiago không thể nào tẻ nhạt hơn. Khi 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký vào thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất trong vòng 25 năm, Tổng thống Mỹ đang làm rung chuyển các thị trường toàn cầu và khiến các đồng minh của mình lo ngại của Mỹ bằng việc thông báo về các mức thuế cao đối với thép và nhôm.
Bà Deborah Elms, Giám đốc Điều hành của Asian Trade Center (Trung tâm Thương mại châu Á) tại Singapore, nói: "Điều này cho thế giới thấy rằng chúng ta đang trở nên lạc quan như thế nào và khiến cho Mỹ, nước đề xuất sáng kiến TPP từ những ngày đầu và hiện tại đã rút khỏi hiệp định, có thể gánh chịu những hậu quả vì sự rời bỏ này. Mỹ đã nhường lại vai trò lãnh đạo của mình về thương mại cho châu Á."
Thị trường của các nước CPTPP bao gồm 500 triệu người và có GDP tổng cộng là 12,4 nghìn tỷ USD. Mặc dù con số này vẫn còn rất lớn, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, nhưng nó chỉ chiếm chưa tới một nửa so với 38,2% của TPP với sự tham gia của Mỹ.
Thoả thuận ban đầu của TPP đã được 12 thành viên chấp thuận vào tháng 10.2015, trong đó có Mỹ. Khi Mỹ rút lui, thỏa thuận này đã mất đi sự cân bằng mỏng manh dựa trên các nhượng bộ lẫn nhau. Các thành viên còn lại không muốn ký kết hiệp định đã đạt được và TPP đã buộc phải đàm phán lại.
Các quốc gia thành viên ở Châu Á và Châu Đại Dương muốn xóa bỏ thỏa thuận của một số lãnh vực mà Mỹ đã hối thúc và giành được, bao gồm cả về sở hữu trí tuệ. Với việc Mỹ rút lui, các quốc gia còn lại họ không cần phải trả thêm chi phí theo các điều khoản này vì họ sẽ không cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng hoá và dịch vụ của họ.
Vì vậy, 11 quốc gia đã làm việc để tìm ra một sự cân bằng mới. Khoảng 20 điều mà Mỹ đã thúc đẩy là "bị đóng băng" theo thỏa thuận sửa đổi. Bao gồm đề xuất bảo vệ 8-năm cho dữ liệu về thuốc sinh học thế hệ kế tiếp và gia hạn bảo hộ bản quyền cho 70 năm sau cái chết của tác giả.
Có vẻ như các thành viên đã có chút nhượng bộ lẫn nhau đối các quy tắc thương mại. Nhưng điều quan trọng là họ đã duy trì các điều khoản đảm bảo sự tự do trong không gian số, bao gồm ba nguyên tắc liên quan đến thương mại điện tử: chuyển thông tin xuyên biên giới, một lệnh cấm các quốc gia thành viên yêu cầu các tổ chức nước ngoài đặt các máy chủ trong lãnh thổ của họ, và lệnh cấm các quốc gia yêu cầu công khai mã nguồn phần mềm.
Trong khi Trump tỏ ra quyết tâm bảo vệ các ngành công nghiệp 20 đang suy giảm như thép và than trong thế kỷ, 11 quốc gia CPTPP đã đặt ra một bộ luật thương hiệu mới về tự do số. Các nguyên tắc này có thể thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia tham gia vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Họ cũng có thể tăng tốc khả năng dữ liệu lớn của mình, điều này có thể giúp thúc đẩy đổi mới trong trí tuệ nhân tạo.
Bà Elms cho biết: "Chúng tôi chưa có một thỏa thuận nào sâu sắc và rộng khắp như TPP kể từ sau NAFTA", đề cập đến Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994. "Một khi nó có hiệu lực, có thể là năm nay, nó có thể chuyển đổi kinh doanh cho các thành viên TPP."
Sự hối hả của Mexico
Vào giữa tháng 2, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã mô tả những lợi ích mà TPP 11 mang lại cho nền kinh tế của đất nước. Nó sẽ mở ra sáu thị trường mới ở Châu Á và cho phép Mexico tăng xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, bơ, cà chua và trái cây nhiệt đới.
Mexico không còn xa lạ với các thỏa thuận thương mại tự do, khi nước này đã ký kết các thỏa thuận tương tự với 46 quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản. Nhưng TPP 11 là một cơ hội quan trọng để đất nước thiết lập quan hệ thương mại với nhiều chính phủ mới, bao gồm Úc, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Nước này hiện chủ yếu giao thương với với châu Mỹ và các nước châu Âu.
Sự nhiệt tình của Guajardo là không có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa Mexico và người hàng xóm ở phía Bắc - nước Mỹ đang gặp trắc trở. Trump đã gọi NAFTA - loại bỏ thuế quan giữa Mexico, Mỹ và Canada - một "thảm hoạ" và buộc các đối tác phải đàm phán lại thỏa thuận. Khi ba quốc gia đã kết thúc vòng đàm phán thứ bảy về thỏa thuận vào ngày 5.3, Trump đã cố gắng tạo áp lực lên Canada và Mexico bằng cách nói rằng họ có thể tránh được việc áp thuế lên thép nếu đạt được thỏa thuận NAFTA mới với Mỹ.
Đối với Mexico, NAFTA đã thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ sử dụng lược lượng nhân công giá rẻ và dồi dào của nước này. Kết quả là nền kinh tế Mexico tăng trưởng mạnh khi nó trở thành cơ sở sản xuất cho thị trường Mỹ. Ngày nay, nền kinh tế Mexico phụ thuộc rất nhiều vào nước láng giềng: Mỹ chiếm 80% xuất khẩu của Mexico và 46% nhập khẩu vào năm 2017.
Lo ngại rằng mô hình kinh tế phụ thuộc NAFTA của Mexico có thể bị đổ vỡ bởi những động thái của chính quyền Trump, Mexico đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã kêu gọi mở rộng thị trường xuất khẩu và phạm vi của các nhà đầu tư nước ngoài sang các nước khác. Năm 2017, thị phần của Mỹ trong xuất khẩu của Mexico giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm trước, mặc dù Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Mexico.
TPP 11 sẽ giúp Mexico đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình, nhưng vẫn chưa rõ ràng nó sẽ tiến xa đến đâu khi đất nước vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giá trị chiến lược của nước này là rõ ràng: Chính phủ Mexico nghĩ rằng việc có thêm các đối tác thương mại khác sẽ tạo cho họ những lợi thế trong việc đàm phán lại lại NAFTA. Mexico hy vọng điều này sẽ làm thay đổi ý nghĩ của Mỹ rằng Mexico sẽ không thể duy trì nền kinh tế của mình mà không có NAFTA và do đó buộc Mexico phải tuân theo các yêu cầu của Mỹ.
Những lợi ích lớn cho Việt Nam
Với TPP-12, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất nhất. Ngành may mặc và dệt may của họ được dự báo sẽ tăng 30% mỗi năm nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Mỹ thị trường, từ mức 10%-12% hiện nay. Xuất khẩu cho các đối tác CPTPP mới cũng sẽ tăng nhưng không lớn.
Đối với ngành thủy sản Việt Nam, tác động lớn nhất của CPTPP có thể cải thiện chất lượng. Cá của Việt Nam - đặc biệt là cá tra - đã bị đã liên tục bị Châu Âu và Mỹ đặt dấu hỏi về điều kiện an toàn thực phẩm và nuôi trồng thủy sản.
Nhưng CPTPP có thể cải thiện danh tiếng của con cá Việt Nam. Nhật Bản đã áp mức thuế cao đối với thủy sản, điều đó không có nhiều tác động lên các công ty đầu tư tiền vào các kỹ thuật đảm bảo sản lượng khai thác của họ đạt tiêu chuẩn cao. Elms nói: "Nếu những mức thuế này giảm xuống thì đột nhiên nhà xuất khẩu sẽ không còn động lực cải thiện chất lượng để bán tại Nhật Bản. Việt Nam đứng trước ‘cơ hội rất lớn tại Nhật Bản’ ".
Việt Nam không phải là quốc gia CPTPP duy nhất muốn Mỹ quay lại với hiệp định thương mại. Trump đã gieo chút hy vọng khi ông gợi ý vào tháng 1 rằng Mỹ có thể quay trở lại nếu nước này có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn, một động thái nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin. Bà Elms cho biết các nghị sỹ của Quốc hội Mỹ bắt đầu tạo áp lức lên chính quyền Trump nhằm xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với thương mại, đặc biệt là khi hậu quả của việc rút khỏi NAFTA có thể trở nên rõ ràng hơn, Elms nói.
Bà nói: "Điều này sẽ chậm chạp và đau đớn, nhưng Washington đang thảo luận về những thiệt hại của Mỹ khi rút khỏi TPP đặc biệt là khi các nước cạnh tranh chính của Mỹ vẫn tham gia hiệp định này. Người ta đã cho rằng khi Mỹ rút khỏi, thoả thuận sẽ chấm dứt. Thực tế là khi Mỹ rút lui, và thoả thuận này thực tế lại tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, lên ngành nông nghiệp Mỹ chẳng hạn".
CPTPP có thể hoặc không thể mang lại lợi ích kinh tế ngay cho các nước thành viên. Tuy nhiên, nó đã gửi một tín hiệu rõ ràng rằng 11 quốc gia ở châu Á và châu Mỹ Latinh vẫn ủng hộ tự do thương mại và nói không chính sách " nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Mạnh Tiến, VOV