Từ ngày 1/1/2018 thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước ASEAN vào Việt Nam có thuế suất bằng 0%, không thể tránh khỏi “dòng chảy” ồ ạt hàng nhập khẩu đến từ các nước trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng việc áp thuế suất này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường ở các nước trong khu vực, tuy nhiên sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà.
Hàng hóa trong nước chịu sức ép
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018 có 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế suất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng vào Việt Nam, bao gồm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Australia-New Zeland, ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Chile và Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu.
Nhìn chung, mở cửa thị trường, cụ thể là tự do hóa thương mại sẽ đem đến nhiều cơ hội cho các doạnh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phong phú với giá rẻ và chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước; người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá tốt hơn.
Tuy nhiên, khi thuế suất giảm về 0% chắc chắn sẽ tác động đến giá cả hàng hóa nhập khẩu. Tùy vào từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.
Theo Hiệp định ATIGA, từ ngày 1/1/2018 sẽ có thêm 7% dòng thuế được cắt giảm về 0%, nâng tổng dòng thuế cắt giảm lên 97% số dòng thuế hàng hóa từ ASEAN về Việt Nam. Những ngành được dự báo là chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan này bao gồm ôtô, xe máy; phụ tùng, linh kiện ôtô xe máy; bánh kẹo; trái cây; thức ăn gia súc; sữa và sản phẩm từ sữa; sản phẩm nhựa; điều hòa; tủ lạnh...
Thực tế, sức ép từ hội nhập khu vực đã gõ cửa ngành ôtô trong nước. Các chuyên gia cho rằng Chính phủ đã duy trì mức bảo hộ cao trong nhiều năm qua với chiến lược xây dựng một ngành công nghiệp ôtô trong nước có đủ sức cạnh tranh với khu vực.
Thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã được duy trì ở mức cao từ 100-150% trong vòng hai thập kỷ qua để bảo vệ ngành công nghiệp ôtô trong nước. Thực hiện cam kết ATIGA thuế nhập khẩu ôtô đã bắt đầu cắt giảm từ năm 2012, cắt giảm xuống 70% vào năm 2012, 50% vào năm 2014 và năm 2018 cắt giảm hoàn toàn xuống 0%.
Đây là mối lo ngại thật sự với dòng xe lắp ráp trong nước. Bởi ngành công nghiệp ôtô trong nước còn rất ít thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép hiện hữu của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN khi thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc giảm xuống còn 0%. Nếu các doanh nghiệp trong nước không chuẩn bị kỹ các biện pháp để đối phó thì không thể cạnh tranh được về giá cả cũng như chất lượng so với các quốc gia trong khu vực.
Hay như đối với mặt hàng trái cây, trái cây Thái Lan nhập vào Việt Nam rất nhiều, giá cả lại không quá đắt đỏ như khi nhập từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Và khi thuế suất các mặt hàng này về 0% thì giá sẽ giảm hơn, lượng hàng nhập khẩu sẽ ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc hàng nông sản, trái cây Việt Nam sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà khi người tiêu dùng có xu hướng chọn hàng ngoại nhập.
Để nông sản Việt có chỗ đứng trên sân nhà, đòi hỏi người nông dân, doanh nghiệp phải chủ động cải tiến, thay đổi về giống, chất lượng cây trồng. Đồng thời khâu đóng gói, bảo quản cũng cần được đầu tư hơn.
Không chỉ vậy mà thực tế nhiều năm nay, hàng hóa Việt Nam đã bị hàng hóa giá rẻ hơn xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lấn sân và dần chiếm lĩnh thị phần. Không chỉ ở trung tâm thương mại, siêu thị mà các chợ truyền thống ở khắp các đô thị nước ta, các mặt hàng ngoại nhập này đã “phủ sóng” từ các ngành hàng thực phẩm, trái cây, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, quần áo, giày dép đến đồ đa dụng... với giá bán khá hấp dẫn.
Doanh nghiệp chủ động thay đổi
Việc giảm thuế theo cam kết hội nhập sẽ rất nhiều lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Bởi khi thuế nhập khẩu cắt giảm về 0% sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu giảm được chi phí, tiền thuế nhập khẩu sẽ được phục vụ cho đầu tư, kinh doanh nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần tính toán tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng. Các sản phẩm có mức thuế suất được giảm về 0% đều là nhóm hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được, do đó chắc chắn hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước ASEAN cũng như các quốc gia có FTA với Việt Nam.
Trong khi đó, vừa qua Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng với nhiều nhóm hàng hóa trong nước, như vậy sẽ tác động làm tăng giá đến hàng hóa, dịch vụ trong nước. Nếu thuế suất nhập khẩu tiếp tục giảm và lại tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng sản xuất trong nước sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và phần thua thiệt chắc chắn nghiêng về các doanh nghiệp trong nước.
Do đó, để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ nhiều khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước, các chuyên gia cho rằng, trước hết, các doanh nghiệp cần tập trung tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp trong nước vẫn còn kịp để tận dụng lợi thế sân nhà, đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh không chỉ giá cả mà còn chất lượng và còn có thể vươn ra thị trường bên ngoài.
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công, để cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ, từ năm 2018 các doanh nghiệp mía đường đã phải tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa quá trình sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, phải thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh là việc các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.
Tương tự như vậy, nhiều năm qua ngành trái cây Việt Nam cũng đã chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại để giữ vững thị trường nội địa. Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc nhập khẩu các loại trái cây từ các nước đang tăng không phải là trở ngại lớn của rau củ quả trong nước mà là động lực giúp cho người sản xuất, doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất, tuân thủ chặt chẽ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập ngay tại sân nhà./.
Thành Chung, Cổng Thông tin ĐT Chính phủ