Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức được thành lập với 5 thành viên sáng lập. Sau 30 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức liên Chính phủ, bao gồm cả 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 10 của thế giới với dân số hơn 600 triệu người, chiếm khoảng 8,8% dân số thế giới; tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2014 đạt khoảng 2.505 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 1.000 tỷ USD. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015 sẽ là một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á. AEC sẽ mở ra một chương mới cho các nước ASEAN khi nó thúc đẩy các dòng chảy tự do về hàng hóa, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề cao và dịch vụ. Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được đầu tư nước ngoài hơn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường rộng lớn của khối ASEAN, có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành xuất khẩu, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh. Người dân sẽ được hưởng những lợi ích to lớn do AEC mang lại như mua hàng hóa với giá cả cạnh tranh, mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng tốt... Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp các thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN.
Với mong muốn cung cấp những thông tin cơ bản về hợp tác trong ASEAN và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, Văn Phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế biên soạn cuốn Sổ tay tham gia ASEAN và AEC. Đây là cuốn thứ ba trong bộ ấn phẩm về hội nhập kinh tế quốc tế do Văn phòng biên soạn. Chúng tôi hy vọng cuốn sổ tay sẽ cung cấp tới độc giả những nội dung tổng quan, cơ bản và thiết thực nhất về ASEAN và AEC; từ đó giúp cho độc giả có cái nhìn tổng quan về những cơ hội và thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nói chung và hội nhập trong ASEAN, AEC nói riêng.