Sổ tay

Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 01 năm 2007; đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mở ra một giai đoạn mới cho nền kinh tế nước ta hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Ngay sau đó, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán ký kết 15 hiệp định thương mại tự do. Theo đó, số lượng đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam thông qua FTA sẽ lên đến gần 100 đối tác. Việt Nam sẽ có quan hệ với tất cả 5 khu vực thị trường lớn nhất thế giới là: Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu (cả Đông Âu và Tây Âu), châu Mỹ (cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ) và châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ có quan hệ FTA với 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và Pháp).
Việc gia nhập WTO và chủ động tham gia đàm phán ký kết các FTA đã đem lại rất nhiều cơ hội cho Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp để phát triển như: thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật cho hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc gia nhập WTO và tham gia đàm phán ký kết các FTA đem lại, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc, áp lực cạnh tranh với các sản phẩm và doanh nghiệp quốc tế. Nhằm quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng về WTO và quá trình đàm phán kí kết các FTA, Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đã biên soạn cuốn cẩm nang “Tổng quan về Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định thương mại tự do”. Đây là cuốn thứ hai trong bộ ấn phẩm gồm 3 cuốn về hội nhập kinh tế quốc tế do Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì. Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp tới độc giả những nội dung tổng quan, cơ bản và thiết thực nhất về WTO và các FTA.

Tệp đính kèm