Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã từng bước mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phù hợp với xu thế hội nhập chung của khu vực và thế giới, chúng ta đã đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán 16 FTA. Trong đó, 11 FTA đã có hiệu lực thực thi bao gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (tiền thân là CEPT/AFTA), FTA giữa ASEAN và các đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Niu Di-lân; FTA giữa Việt Nam với các đối tác: Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việc tham gia các FTA với các cam kết ngày càng sâu rộng đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và người dân về nội dung, mức độ cam kết và lộ trình thực hiện. Về phía các doanh nghiệp, cần phải chủ động tìm hiểu kỹ các cam kết để sớm xây dựng phương án tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức nảy sinh trong quá trình thực thi các FTA.
Thời gian qua, đã có một số tài liệu hướng dẫn tìm hiểu về các FTA theo từng FTA riêng lẻ. Theo đó, người đọc có thể tìm hiểu trong một hiệp định thì các cam kết áp dụng riêng cho FTA đó là như thế nào. Tuy nhiên, với việc Việt Nam tham gia rất nhiều các FTA như hiện nay thì rất cần có một tài liệu biên soạn theo hướng tích hợp FTA theo chiều dọc về từng lĩnh vực cụ thể để thuận lợi cho việc so sánh, đối chiếu giữa các cam kết. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu có cái nhìn tổng quan trong quá trình hoạch định chính sách. Đặc biệt, xét trên khía cạnh thực thi cam kết thì tài liệu này rất cần thiết và hữu ích cho các doanh nghiệp tìm hiểu, vận dụng các cam kết trong quá trình mở rộng, đa dạng hóa thị trường và lựa chọn cơ hội kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, tại Phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) lần thứ nhất ngày 12 tháng 9 năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao Văn phòng BCĐLNKT triển khai nhiệm vụ: Biên soạn các tài liệu, cẩm nang tích hợp FTA theo chiều dọc về từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Trong giai đoạn 2016- 2017, Văn phòng BCĐLNKT đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu và phát hành 3 hợp phần đầu tiên của Đề án, bao gồm:
- Cuốn 1: Hướng dẫn thực thi các cam kết về hang rào phi thuế quan (TBT và SPS);
- Cuốn 2: Hướng dẫn thực thi các cam kết về cam kết sở hữu trí tuệ;
- Cuốn 3: Hướng dẫn thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp.
Các ấn phẩm trên đã được các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Tiếp nối thành công trên, trong năm 2018, Văn phòng BCĐLNKT đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và hoàn thành: Cuốn 4: Hướng dẫn thực thi các cam kết về quy tắc xuất xứ trong các FTA: ASEAN- Nhật Bản, ASEAN- Hàn Quốc, Việt Nam- Nhật Bản, Việt Nam- Hàn Quốc.