Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vẫn còn “ngổn ngang”, theo đó thực thi hiệu quả các FTA sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam.
9 tháng còn lại Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 6,75%
GDP quý I/2024 tăng trưởng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cơ hội để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% vẫn vô cùng khó khăn. Bởi theo nhận định của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, 9 tháng còn lại tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 6,75%, cụ thể quý II/2024 tăng trưởng khoảng 6,32%; quý III/2024 tăng khoảng 6,79%; quý IV/2024 tăng khoảng 7,08%.
Cũng nói về những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế (Bộ Công Thương) cho rằng: Kinh tế thế giới và khu vực đã, đang và có thể sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khi các yếu tố ảnh hưởng chặt chẽ đến tăng trưởng kinh tế vẫn còn “ngổn ngang”, chưa được giải quyết triệt để.
Cùng với đó, vấn đề xung đột địa chính trị, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, lạm phát, tiền tệ, nợ công… là những vấn đề mang tính toàn cầu, có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để tận dụng cơ hội tăng trưởng, Việt Nam cần thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Theo thống kê, hiện Việt Nam đã ký kết 16 FTA, trong đó đang thực thi 15 FTA, việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy vậy, năm 2024 tăng trưởng GDP khu vực và thế giới dự báo vẫn đối diện với rất nhiều rủi ro, biến động khó lường với niều cơ hội và thách thức đan xen. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều quốc gia có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hoá không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hoá và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.
Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư năm 2024 có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Cơ hội từ thực thi hiệu quả các FTA
Theo ông Trịnh Minh Anh, việc thực thi hiệu quả các FTA sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Thực tế, để tăng hiệu quả thực thi các FTA, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các bộ, ngành liên quan cũng đã nhiều lần tổ chức tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và báo cáo Chính phủ về một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy vậy, để tận dụng tối đa các FTA, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có.
Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp. Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Như vậy, theo ông Trịnh Minh Anh, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động
Thanh Tùng, Bộ Công thương