Hội nhập trong nước

Bên cạnh những kịch bản tăng trưởng kinh tế tích cực cho năm 2024, Việt Nam cần chuẩn bị thêm kịch bản xấu để tăng khả năng ứng phó với những “cú sốc” bất ngờ.

Năm 2024 được đánh giá là một năm vô cùng khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam”.

Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài, làm tăng khả năng tình trạng phân mảnh chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe doạ đến môi trường hoà bình và ổn định của khu vực.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng nhiều yếu tố bất định. Đặc biệt, việc các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hoá” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, nhiều kịch bản kinh tế cho năm 2024 đã được các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đưa ra. Cụ thể, Ngân hàng UOB (Singapore) trong báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6%, sát với mục tiêu của Quốc hội đưa ra là tăng trưởng từ 6-6,5%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 4%. Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Ở trong nước, mới đây Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024, trong đó, kịch bản 1 Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,13% và kịch bản 2 là 6,48%.

Mặc dù các kịch bản tăng trưởng đưa ra vẫn chưa đạt được mức tối đa mà Nghị quyết Quốc hội đưa ra là 6,5%, tuy nhiên đây vẫn là những kịch bản cao, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Đặc biệt, theo như TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.

Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao” – TS Nguyễn Bích Lâm thông tin.

Từ những phân tích trên, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể ứng phó với những tình huống khó lường có thể xảy đến, bên cạnh những kịch bản tăng trưởng tích cực, Việt Nam cũng cần chuẩn bị cả kịch bản tăng trưởng xấu hơn, đây là kịch bản “không ai mong muốn nhưng cần có” để Việt Nam có thể ứng phó kịp thời những tình huống mới phát sinh, ảnh hưởng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 nên có thêm kịch bản xấu, để phòng những “cú sốc” bất ngờ. Chính phủ 3 tháng dự báo tình hình tăng trưởng một lần, trong 3 tháng ấy nếu có “cú sốc” lớn thì phương án kịch bản xấu cần phải sẵn sàng để đối mặt.

Đồng ý với quan điểm trên, nên dù đề xuất có thêm kịch bản tăng trưởng 7% trong năm 2024 để tạo ra những nỗ lực phi thường góp sức vào tăng trưởng kinh tế năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam vẫn đề xuất có thêm kịch bản xấu để lường trước và ứng biến kịp thời trước những “cú sốc” bất ngờ có thể xảy đến.

Mạnh Cường, Chuyên gia kinh tế