Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội, nhưng muốn tận dụng tối đa, các doanh nghiệp trong nước cần phát triển mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế cho rằng việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn mang đến nhiều lợi ích khác, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Việt Nam hiện đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA, trong đó, có 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Một số FTA thế hệ mới Việt Nam tham gia như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam - EU (EVFTA); FTA giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Khi ký kết FTA, các thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó, có việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo một lộ trình nhất định. Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại trong khối. Như vậy, xuất khẩu sẽ tăng trưởng nhanh khi thuế suất giảm. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu giữa các nước trong khối do giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn.
Bên cạnh đó, chính các điều kiện về quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất trực tiếp nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu. Từ đó, giảm mức độ phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho xuất khẩu.
Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam cũng như các nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng hóa phù hợp, hài hòa về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Từ đó, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Mặt khác, tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện và động lực để thay đổi, cải thiện chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đồng thời, giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ.
Đặc biệt, các FTA thế hệ mới đều có cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh. Qua đó, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn.
Nâng cao sức cạnh tranh
Ngoài những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó, có thách thức về hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuân thủ đúng FTA. Quá trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đã có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách lớn. Chính vì vậy, nếu Việt Nam không nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đây sẽ là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm trong thương mại quốc tế.
Yếu tố kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hóa luôn là thách thức lớn đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Mục tiêu lớn nhất của các nước, trong đó có Việt Nam, là tăng cường lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên tham gia FTA. Để đạt được mục tiêu này, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu rất cao và phức tạp về kỹ thuật cũng như quy tắc xuất xứ. Yêu cầu này đòi hỏi các ngành sản xuất phải đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng sản phẩm hiện nay còn thấp. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết dẫn đến các hàng hóa sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời các ngành sản xuất trong nước chịu tác động trực tiếp của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế.
Việc mở cửa thị trường theo cam kết đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt trên cả 3 cấp độ gồm: Cạnh tranh giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nước ngoài; doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và giữa các chính phủ về thể chế, môi trường kinh doanh. Đây là thách thức không nhỏ cho hàng hóa trong nước.
Chính vì vậy, dù có nhiều thách thức nhưng các FTA không những giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, tạo nhiều cơ hội phát triển mà còn là minh chứng cho sự bắt nhịp nhanh chóng của nước ta so với các nước trên thế giới.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam đã ký kết tham gia nhiều FTA với các nước đến từ nền kinh tế lớn đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Trong đó, các chính sách về thuế, hàng rào thuế quan, kể cả đầu tư đã hạ thấp xuống, ưu đãi… để mở cửa đón các nền kinh tế vào Việt Nam và cũng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để khai thông dòng hàng hóa và dòng vốn đầu tư trong nước ra nước ngoài.
“Chúng ta chỉ khai thác tốt FTA khi có được một lực lượng doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh.
Thời gian qua, thực tế có một số lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tận dụng cơ hội để xuất khẩu lớn các sản phẩm lương thực, hoa quả, nông - lâm - thủy sản… Đặc biệt, gạo là mặt hàng có khối lượng và chất lượng tốt xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Dù vậy, đối với một số lĩnh vực khác, doanh nghiệp trong nước tận dụng chưa nhiều, trong khi các doanh nghiệp FDI đã tận dụng triệt để, chiếm trên 70% xuất khẩu và 55% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Điều này có nghĩa, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang không có nhiều sức cạnh tranh với khối FDI.
Thu Hiên, Tạp chí cộng sản