Với 16 FTA đã ký kết, thực thi và 3 FTA đang đàm phán, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn… mở ra cơ hội để hàng Việt thuận lợi vươn ra thế giới. Hà Nội với tư cách là đầu tàu kinh tế cả nước, đang đẩy mạnh các giải pháp để tận dụng cơ hội này.
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA...
Tận dụng cơ hội
Để tận dụng lợi thế từ các FTA, Hà Nội đang chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, tổ hợp tác ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho hay thời gian qua, Sở đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng xuất, nhập khẩu.
Tiêu biểu như kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, các hoạt động thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA, thông tin tình hình thị trường, các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp, HTX... Đến nay, TP có gần 3.000 doanh nghiệp xuất khẩu, hơn 7.900 doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước ký kết FTA.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp quốc tế đánh giá rất cao tiềm năng của các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, kim khí...
Ông Aly Ansari, Tổng Giám đốc Walmart Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam là một trong những thị trường nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Walmart cũng muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn, tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn để phục vụ mục tiêu xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường của mình trên toàn thế giới”.
Nhận diện thách thức
Trong khi đó, ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam, cho biết Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) hiện đã có hơn 20 năm tham gia sản xuất tại Việt Nam.
Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, trong đó có sản phẩm từ Hà Nội, không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng trong nước mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của Uniqlo.
Rõ ràng, các loại hàng hóa sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội đang có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường lớn nằm trong các hiệp định FTA như Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru... Tuy nhiên, cơ hội cũng đi cùng thách thức.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang từng chia sẻ việc các FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
Song, để nhận được những ưu đãi thuế quan, phía Việt Nam cũng phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ trong sản phẩm. “Vì thế, doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều việc thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại này”, ông Giang nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh nhận định, các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là "cơ hội vàng" cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở, tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. "Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ, công nhân viên… Phải có sản phẩm "sạch" để chúng ta mang ra thế giới", bà Vinh nhấn mạnh.
Nâng cao hiệu quả của FTA
Thời gian tới, việc triển khai các FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA) sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn, do đó rất cần những đổi mới trong cách thức hỗ trợ để doanh nghiệp có thể yên tâm mở rộng thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho rằng để doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA, TP cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn. Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục...
Trước yêu cầu thực tế, Sở Công Thương Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục tập trung thực hiện những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các FTA để doanh nghiệp biết được cơ hội đang ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan...; theo dõi sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ theo thẩm quyền.
Đồng thời, TP sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là thị trường các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác; chú trọng phát triển các ngành phụ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu; phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát triển thương mại điện tử, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới...
Thu Hiên, Tạp chí cộng sản