Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 dự báo tăng trưởng của Việt Nam vào năm tới 2024 đạt 6%, vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của ASEAN là 5%.
Lãi suất dự báo hạ nhiệt, kinh tế khởi sắc trở lại
Trong bối cảnh lãi suất cao, câu hỏi nóng nhất lúc này của giới đầu tư toàn cầu là "Ngân hàng trung ương lớn nào sẽ đi tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất?". Công ty nghiên cứu thị trường HolonIQ đánh giá, những bất ổn do lạm phát dai dẳng sẽ khiến các ngân hàng trung ương khó có thể sớm nới lỏng chính sách. Thị trường dường như cũng chuẩn bị cho kịch bản này.
Trong số các nền kinh tế lớn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ có động thái cắt giảm lãi suất sớm vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng quý I/2024 yếu hơn dự kiến hoặc suy thoái kinh tế có thể đẩy việc cắt giảm lãi suất đến đầu 2024. Hiện tại, Brazil đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, Mexico có thể nối gót. Trung Quốc dự kiến sẽ giảm lãi suất để kích thích chi tiêu và hỗ trợ tăng trưởng. Các thị trường mới nổi như Indonesia, được hưởng lợi từ lạm phát hạ nhiệt, cũng sẵn sàng có động thái tương tự.
Ngân hàng Anh dường như là quốc gia rõ ràng nhất trong việc khẳng định chấm dứt tăng lãi suất. Ngược lại, Úc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ thái độ “diều hâu” và có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Năm 2024 dự báo kinh tế tươi sáng hơn
Chuyên gia HolonIQ đánh giá, tăng trưởng kinh tế ở châu Âu dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2024. Các thị trường mới nổi cũng sẽ có một năm tốt đẹp.
"Trên bình diện chung, nửa đầu năm nay đã mang lại một số bất ngờ thú vị về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu chậm lại. Dữ liệu tháng 8 ở Mỹ làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh nhờ người tiêu dùng, nhưng dữ liệu tháng 9 cho thấy, nền kinh tế đang suy yếu. Tại EU, kinh tế dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, trong đó Đức có khả năng phục hồi vào năm tới sau cuộc suy thoái năm 2023. Singapore và Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024 do nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng.
Trong khi đó, kinh tế Bắc Mỹ nắm tới có thể sẽ chậm lại so với năm 2023. Các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng vào năm 2024, mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm dần trong dài hạn" - chuyên gia HolonIQ đánh giá.
Việc nới lỏng chính sách của FED có thể thúc đẩy kinh tế tại các thị trường mới nổi vào nửa cuối năm 2024, thu hút thêm dòng vốn vào trong bối cảnh các ngân hàng trung ương phương Tây tiếp tục hạ lãi suất.
Bàn về các yếu tố rủi ro, giới chuyên gia cho rằng, năm 2024 vẫn tồn tại những lo ngại về căng thẳng địa chính trị, bầu cử trên thế giới. Sự xuất hiện của El Nino sẽ làm giá hàng hóa nông nghiệp thêm bất ổn. OPEC+ giảm sản lượng đang đẩy giá dầu tăng cao.
Lạm phát ở các nước G20 đã lên đến đỉnh điểm. Lạm phát lõi của Đức vẫn giảm với tốc độ chậm nhất trong số các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, Indonesia là nền kinh tế G20 duy nhất đã thành công trong việc giảm lạm phát theo mục tiêu cụ thể của ngân hàng trung ương. Nga và Nam Phi hiện đang duy trì mức lạm phát gần với mục tiêu riêng. Ngược lại, Anh, Úc, Ý và Ấn Độ đang phải vật lộn với tỉ lệ lạm phát chênh lệch đáng kể với mục tiêu. Tựu trung lại, lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các quốc gia.
Về mặt tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đã cải thiện về tốc độ tăng trưởng GDP. Trong G20, Đức phải vật lộn với suy thoái. Nga vẫn tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngược lại, Ả Rập Saudi và Argentina bị giảm dự báo, trong đó Ả Rập Saudi bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng dầu và Argentina phải đối mặt với những thách thức do nợ nần và hạn hán. Bắc Mỹ cũng được dự báo tăng trưởng tốt.
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn