Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI – năm 2023 do Sở Công Thương thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức tại khách sạn Fortuna, Hà Nội với chủ đề: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, công nghiệp và thương mại, dịch vụ” giai đoạn 2023 - 2025.
Hội nghị nhằm mục đích trao đổi, thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm để đề xuất kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 thành phố phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa các địa phương trong tương lai.
Nhiều thành tựu tích cực trong sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu
Theo thông tin tại Hội nghị, trong 9 tháng năm 2023, 5 thành phố trực thuộc trung ương đã thu được những thành tựu tích cực về sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu.
Về sản xuất công nghiệp: Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp của 5 thành phố duy trì được mức tăng trưởng và cao hơn so với mức tăng chung của cả nước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): TP. Cần Thơ tăng 3,27%, TP. Hà Nội tăng 2,4%, TP. Hải Phòng tăng 11,55%, TP. Hồ Chí Minh tăng 2,8%, chỉ có TP. Đà Nẵng có chỉ số IIP giảm 1,99%. (Chỉ số IIP cả nước giảm 0,4%).
Về thương mại: Hoạt động thương mại trên địa bàn 5 thành phố 8 tháng năm 2023 vẫn được duy trì ở mức tăng trưởng khá. 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 Thành phố trực thuộc Trung ương chiếm tỷ trọng 38,33% của cả nước. Các thị trường tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội tiếp tục phục hồi, tăng trưởng đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023, cụ thể: TP. Cần Thơ tăng 12,62%, TP. Đà Nẵng tăng 20,2%, TP. Hà Nội tăng 10,9%, TP. Hải Phòng tăng 13,51%, TP. Hồ Chí Minh tăng 7,6%.
Về xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố 8 tháng đầu năm 2023 chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (TP. Đà Nẵng giảm 14,1%; TP. Hà Nội giảm 3,8%; TP. Hải Phòng giảm 1%; TP. Hồ Chí Minh giảm 15,4%). Có 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (TP. Hà Nội, TP. Hải phòng, TP. Hồ Chí Minh) nằm trong Top 10 địa phương có kim ngạch thương mại và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch thương mại lớn nhất với 63,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD (TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam có kim ngạch trên mốc 60 tỷ USD); tiếp theo là TP. Hà Nội với tổng kim ngạch thương mại đạt 34,33 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 10,95 tỷ USD và TP. Hải Phòng với tổng kim ngạch thương mại đạt 29,13 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 15,59 tỷ USD.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ
Tại Hội nghị, rất nhiều những khó khăn, vướng mắc được đại biểu các tỉnh đưa ra kiến nghị. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng kiến nghị: Hiện nay Chính phủ chưa ban hành các quy định liên quan về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại nên trong quá trình quản lý, khai thác tài sản công còn khó khăn. Chính vì thế, Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu xây dựng Nghị định hướng dẫn về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực Công Thương.
Cũng liên quan đến phát triển cụm công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Công Thương để các đơn vị sự nghiệp thực hiện tốt công tác hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại lĩnh vực Công Thương.
Về lĩnh vực năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội; Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về Giấy phép hoạt động điện lực, giá bán điện, tiêu chuẩn kỹ thuật trạm sạc và phòng cháy chữa cháy... đối với các trạm sạc dành cho ô tô, xe máy điện.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các công trình điện trọng điểm có thu hồi đất, giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mới để tiếp tục phát triển điện mặt trời nhằm tận dụng nguồn năng lượng sẵn có; có ý kiến đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn phân bổ kinh phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nhằm khuyến khích thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo theo chủ trương của Chính phủ.
Về thương mại, hiện một số địa phương cũng đang vướng một số quy định về quản lý chợ. Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Đà Nẵng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính Phủ về phát triển và quản lý chợ, đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM của Bộ Công Thương để bổ sung một số tiêu chuẩn của một số loại hình kinh doanh mới như cửa hàng tiện ích, outlet, trung tâm bán buôn,… nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển các loại hình thương mại hiện đại mới tại các thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực cung cấp thông tin về thị trường, đặc biệt các thị trường FTA thế hệ mới, quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP… để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về các quy định mới cũng như thông tin, nhu cầu của thị trường; Tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tham gia các hội nghị đối thoại với tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để xúc tiến tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, bên cạnh việc duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực thực hiện hoàn thành những mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của các địa phương đề ra. Chính vì thế, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành. Tập trung phát triển hạ tầng lĩnh vực ngành Công Thương (công nghiệp, thương mại, năng lượng). Liên kết với các địa phương trong khu vực khi triển khai các dự án công nghiệp và hạ tầng thương mại, logistics, năng lượng... hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khu vực và cả nước.
Hai là, từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, lắp ráp, công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; sản xuất nguyên liệu cung cấp đầu vào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước.
Ba là, tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại và chỉ đạo, tạo điều kiện cho Sở Công Thương, cơ quan xúc tiến thương mại địa phương tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp. Năm là, tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nuớc.
Sáu là, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bích Ngọc Văn phòng CBĐLNKT