Hội nhập trong nước

Quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ trong suốt những năm qua. Một trong những minh chứng cho sự hội nhập quốc tế về kinh tế, đó là sự tham gia của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đến tháng 8/2023, Việt Nam tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó 16 FTA đã ký kết và 03 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Các Hiệp định Thương mại tự do không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước, mà còn giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, thúc đẩy ngành dịch vụ Logistics phát triển, để tận dụng cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức từ các FTA.

Ngày 04 tháng 8 năm 2023 Sở Công Thương thành phố Hải Phòng phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ Logistics”

Toàn cảnh Hội nghị về Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ logistics

Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hải Phòng Nguyễn Công Hân; Phó Chánh Văn phòng BCĐLNKT Phạm Trung Nghĩa; Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Mỹ Bộ Công Thương và hơn 200 đại biểu bao gồm các cán bộ, công chức, viên chức các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, các Hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp liên quan trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hải Phòng Nguyễn Công Hân nhấn mạnh sau khi FTA được ký kết, khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tăng lên rất nhiều, đặc biệt là những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn như dệt may, da giày, thủy sản… Để thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và các nước với chi phí hợp lý và thời gian ngắn, vai trò của các doanh nghiệp logistics rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng, vận hành và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam, qua đó học hỏi kinh nghiệm và gia tăng cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh những cơ hội mở ra thì doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có ưu thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm.

 

Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng BCĐLNKT phát biểu tại hội nghị

1. Cơ hội và tiềm năm của ngành dịch Logistics Việt Nam trong các FTA thế hệ mới: Giải pháp đối với địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thành phố Hải Phòng ông Phạm Trung Nghĩa chia sẽ

Đối với Hiệp định CPTPP

Việc thực thi CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thành viên CPTPP đạt khoảng 104,5 tỷ USD, tăng khoảng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 53,5 tỷ USD, tăng 17,28% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam đạt 51 tỷ USD, tăng 11,33% so với năm 2021.

Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, bất chấp những khó khăn về chuỗi cung ứng và những xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Hiệp định EVFTA

Năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn. Xuất nhập khẩu Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2 % so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, nhập khẩu đạt 15,42 tỷ USD, giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang EU ở mức 31,4 tỷ USD, tăng so với mức 23,23 tỷ USD trong năm 2021.

Hiệp định UKVFTA

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam giảm 9,2% xuống còn 771 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang UK đạt 0,94 tỷ USD, trong đó tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đạt 0,28 tỷ USD, tương đương 29,7%.

Một số kiến nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và của Hải Phòng nói riêng vẫn còn một số hạn chế trong việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều bất cập. Các kết quả đạt được trong tiến trình hội nhập quốc tế thời gian qua chỉ là bước đầu. Về cơ bản, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhiều ngành hàng và đặc biệt là ngành dịch vụ logistics vẫn cần được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc cạnh tranh tại các thị trường quốc tế và ngay tại thị trường Việt Nam của nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới, cần tập trung thúc đẩy một số mặt hàng chủ lực của thành phố Hải Phòng để tận dụng các cam kết mà các FTA thế hệ và các FTA truyền thống.

2. Cơ hội, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và trên địa bàn thành phố Hải Phòng ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu và ông Nguyễn Duy Kiên đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị

Tiềm năng, nhu cầu và thực trạng phát triển logistics của Việt Nam

Thời gian qua, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân.

Với tinh thần hợp tác tích cực, chủ động, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điều này không chỉ giúp tăng cường quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quảng bá, giao lưu văn hóa hữu nghị mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%/năm, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020.

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017-2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986-2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “điểm đến”, như: Intel, Samsung, LG, Canon, Foxconn, Toyota, Honda,... Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm

Năm 2022, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là: điện thoại (58 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (55 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tủng (45,8 tỷ USD); hàng dệt, may (37,6 tỷ USD); giày, dép các loại (23,9 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (16 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (12 tỷ USD) và thủy sản (10,9 tỷ USD).

Về thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA.

Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, mức bán lẻ hàng hóa trong nước tăng trưởng cũng đòi hỏi nhu cầu dịch vụ logistics phát triển. Tính chung giai đoạn 2010 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 3 lần tư 1.254 nghìn tỷ (2010) lên 3.815 nghìn tỷ (2020) tạo nguồn cầu cho dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa trong nước.

Tình hình phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng

Chúng ta có thể thấy, Hải Phòng là thành phố duy nhất trong khu vực phía Bắc có đầy đủ 5 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc. Hoạt động của dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 18%÷23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố từ 10%÷15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 25%÷30%.

Về đường bộ

Mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng phục vụ hoạt động vận tải bao gồm: 35 km đường cao tốc, 117 km đường quốc lộ, 257 km đường tỉnh, còn lại là đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng.

Thời gian gần đây, hệ thống giao thông đường bộ thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: Hoàn thành việc xây dựng hành lang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hải Phòng - Hạ Long trong đó hướng tuyến thay đổi theo hướng đi qua Bãi Nhà Mạc và vượt sông Bạch Đằng qua cầu Bạch Đằng. Đây là một trong những hành lang quan trọng gắn kết hành lang Đông Tây (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) cũng như trong tương lai hoàn thành việc kết nối với hành lang Bắc Nam (Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh). Ngoài ra, các quốc lộ quan trọng (Quốc lộ 5, Quốc lộ 10) cũng đã và đang được nâng cấp, cải tạo.

Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cũng đã triển khai hoàn thành nhiều dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông như: Đường trục chính đô thị (World Bank); đường Tân Vũ - Lạch Huyện; đường trục chính khu công nghiệp Đình Vũ; đường Tây Nam khu công nghiệp Đình Vũ; đường bao Đông Nam quận Hải An; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 giai đoạn 2, các tuyến đường hiện có trên địa bàn các Quận đã được Thành phố đầu tư thảm nhựa mặt đường,...

Tuyến đường bộ ven biển hiện đang triển khai thi công theo kế hoạch.

Hệ thống cầu: Đã xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Tam Bạc, cầu Đồng Khê, cầu Niệm 2, cầu Rào 2, cầu Đăng, cầu Hàn, cầu sông Hóa, cầu vào đảo Vũ Yên, các cầu trên đoạn dự án cải tạo Quốc lộ10, các cầu trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Rào I,... Một số cầu khác cũng đang được triển khai xây dựng: cầu Nguyễn Trãi, cầu Bến Rừng,...

 Qua đó đã góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông của thành phố và giảm ùn tắc, khơi thông các tuyến vận tải, thúc đẩy hoạt động vận tải phát triển mạnh mẽ, giảm thời gian và chi phí vận tải cho các doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động kinh tế cho các doanh nghiệp trong vùng có hoạt động vận chuyển hàng hóa thông qua thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng hiện có 7.000 đơn vị kinh doanh vận tải bằng đường bộ với khoảng 25.000 phương tiện vận tải hàng hóa, 7.000 phương tiện vận tải hành khách đang hoạt động. Trong năm 2022 sản lượng vận tải hàng hóa đạt 273 triệu tấn, tăng 13,47% so với 2021; sản lượng vận tải hành khách đạt 43,3 triệu lượt, tăng 31,63% so với 2021.

Về đường hàng hải

Theo danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam tại Quyết định số 508/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 04 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hải Phòng có 50 bến cảng (chiếm 17,5% số bến cảng của Việt Nam, chiếm 73% cảng biển của vùng Đồng bằng Sông Hồng). Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là một trong 03 cảng trung chuyển và cửa ngõ quốc tế (loại IA) của Việt Nam. Cảng Hải Phòng là cảng có lưu lượng hàng thông qua lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam (khoảng 43 triệu tấn) có hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ an toàn, phù hợp với các phương thức vận tải, thương mại quốc tế.

Cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, cùng với Cảng Sài Gòn là một trong 2 hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, kết nối với các cảng trong nước và quốc tế. Trong 50 cảng biển của Hải Phòng, hiện có 6 cảng lớn nhất như sau: (i) Cảng nước sâu Lạch Huyện (HICT); (ii) Cảng Nam Đình Vũ; (iii) Cảng Tân Vũ Bến container; (iv) Cảng Đình Vũ; (v) Cảng VIP Green; (vi) Cảng Nam Hải Đình Vũ, với tổng chiều dài cầu cảng 12.800m. Trong đó, nổi bật là các cảng khu vực Đình Vũ đã hình thành; Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng đã hoàn thành tháng 5/2018 (02 bến khởi động); Chuẩn bị đầu tư xây dựng bến số 3, bến số 4 (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác bến số 3 trong năm 2023). Trong năm 2022 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng ước đạt 168 triệu tấn, tăng 11,85% so với năm 2021; riêng sản lượng hàng công-ten-nơ đạt khoảng 6,5 triệu TEU.

Về đường thủy nội địa

Thành phố Hải Phòng có 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 265 km; 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 191 km; 16 cảng thủy nội địa. Hiện có khoảng 4.000 phương tiện vận tải thủy nội địa đang hoạt động, trong đó đa số là các phương tiện vận tải hàng hóa cỡ nhỏ.

Mạng lưới đường thủy khá thuận lợi, kết nối với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đã triển khai Dự án phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án World Bank 6) tại Hải Phòng.

Đánh giá chung: hệ thống giao thông theo Quy hoạch 2009 đã và đang tiếp tục được triển khai, tuy nhiên các dự án thực hiện chậm, thiếu các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là xây dựng hệ thống đường chính trong khu vực nội đô (Một trong nguyên nhân chính là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do phần lớn các tuyến đường chính theo quy hoạch đều đi qua khu vực có mật độ dân cư tập trung). Hệ thống giao thông công cộng sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở lớn (đường sắt đô thị) chưa được nghiên cứu đầu tư xây dựng.

Về đường sắt

Thành phố Hải Phòng có 01 ga đường sắt quốc gia, 01 tuyến đường sắt quốc tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) với tổng chiều dài 850 km, khổ 1.000 mm được xây dựng từ những năm 1910 là tuyến đường sắt chính tại Hải Phòng, trong đó phần đường sắt trên địa bàn thành phố dài 24,2 km.  Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hải Phòng còn có 3 nhánh đường sắt chuyên dùng với tổng chiều dài 24,8 km kết nối từ tuyến Hà Nội - Hải Phòng với các khu bến cảng dọc sông Cấm từ khu vực cảng Vật Cách đến cảng Chùa Vẽ hiện nay vẫn đang vận hành ổn định.

Về đường hàng không

Thành phố Hải Phòng có 02 sân bay: Cát Bi là cảng hàng không quốc tế và Kiến An là sân bay chuyên dùng cho quân sự. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cách trung tâm thành phố khoảng 6 km đã được nâng cấp từ cấp 4C lên tiêu chuẩn cấp 4E đưa vào khai thác tháng 5/2016, dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chiều dài đường cất hạ cánh dài 3.050m, công suất vận tải hành khách 4,0 triệu lượt/năm và vận tải hàng hóa 0,4 triệu tấn/năm. Sân bay đang khai thác 11 tuyến bay nội địa, 04 tuyến bay quốc tế.

Hiện nay, cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang tiếp tục được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, nhà ga hàng hóa và mở rộng sân đỗ máy bay.

Về trung tâm logistics

Hải Phòng là một trong những địa phương tập trung nhiều trung tâm logistics, đặc biệt là tại khu vực bán đảo Đình Vũ. Một số trung tâm logistics tiêu biểu là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (Khu công nghiệp Đình Vũ); 02 trung tâm đang được xây dựng là trung tâm logistics CDC (Khu công nghiệp Đình Vũ 2) và trung tâm logistics thuộc Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C III).

Trong thời gian tới, các trung tâm logistics tiếp tục được phát triển theo định hướng sau:

- Quy hoạch hệ thống trung tâm logistics theo hướng đồng bộ chuyên nghiệp và hiện đại làm nền tảng cơ sở phát triển hệ thống dịch vụ logistics trên toàn thành phố gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại công nghiệp hệ thống giao thông sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội khác của Hải Phòng và khu vực Bắc Bộ.

- Phát triển có trọng tâm trọng điểm trước hết trên các địa bàn có lợi thế trên cơ sở xác định đúng quy mô địa điểm trung tâm logistics cấp vùng cấp tỉnh phù hợp với từng thời kỳ giảm thiểu chi phí dịch vụ bên cạnh đó khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển tăng tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp gắn với phát triển sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu là thế mạnh của thành phố phát triển hạ tầng giao thông vận tải và có về thông tin hỗ trợ đắc lực cho quá trình hình thành và hoạt động hệ thống trung tâm logistics.

Một số nhận xét và khuyến nghị

Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA, mở rộng, thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán là ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra và thể chế hóa các nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ logistics bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ theo cơ chế thị trường, thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Thứ hai, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về dịch vụ logistics cả ở cấp Trung ương và địa phương, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Ủy ban 1899, các Bộ, ngành, cùng với cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác về dịch vụ logistics có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý là nhiệm vụ cấp bách.

Thứ ba, đối với các thị trường chưa có FTA, cần chọn lọc, hạn chế “mở cửa” thêm thị trường cho các đối tác có cơ cấu hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Đại dịch Covid-19 vừa qua làm đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và kinh tế - chính trị thế giới có nhiều diễn biến khó lường cũng là những yếu tố để chúng ta cân nhắc nghiên cứu để mở rộng thị trường xuất khẩu với những đối tác tiềm năng, quy mô lớn với cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định trong thời gian tới.

Thứ tư, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ logistics; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Thứ năm, đổi mới trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cho tương xứng, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Trong đó, cần có chính sách thu hút, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những tuyến, luồng vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao. 

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực logistics ở tất cả các cấp, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ công việc.

Thứ bảy, đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết một cách chuyên sâu, theo từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể để doanh nghiệp nắm vững quy định cụ thể của các FTA liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình ở thị trường các nước đối tác FTA.

Có thể nói, việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các FTA là một trong các giải pháp để thực hiện ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Các cam kết đưa ra, đặc biệt là trong các FTA thế hệ mới, đều phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện đồng bộ thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật, từ đó, tạo ra cơ chế thông thoáng, linh hoạt nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Việc tận dụng hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường của các đối tác chắc chắn sẽ góp phần tạo ra các nguồn lực cần thiết giúp cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, việc các Bộ, ngành và địa phương tăng cường hơn nữa hiệu quả của quá trình thực thi các FTA trong thời gian tới cũng là biện pháp thiết thực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kết luận hội nghị ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hải Phòng phát biểu, thông qua hội nghị này các đại biểu sẽ nắm bắt được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua, định hướng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, và những cam kết của ngành dịch vụ logistics trong các FTA.

Xin trân trọng cám ơn Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) đã thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương Hải Phòng trong công tác chuyên môn. Và đặc biệt cám ơn đại diện các Sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố, UBND các quận huyện; các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố; các quý vị đại biểu đã quan tâm, tham dự Hội nghị này.

Văn phòng BCĐLNKT