Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế kết hợp thực hiện mục tiêu toàn cầu.
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế (Ban Chỉ đạo) mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, kinh tế là trụ cột hết sức quan trọng, tiên phong trong hoạt động hội nhập quốc tế. Ban Chỉ đạo có tính liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành, thành phố lớn, vì vậy, cần tạo sự liên kết chặt chẽ nhằm thúc đẩy hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế với sự tham gia toàn diện của các thành phần kinh tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá toàn diện sự tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam, nhất là khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; phân tích các chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế trước sự thay đổi, biến động nhanh, khó đoán định của bối cảnh kinh tế, chuỗi giá trị toàn cầu; sự khủng hoảng về mô hình kinh tế trên thế giới…
"Ban Chỉ đạo cũng cần đưa ra cơ chế hoạt động linh hoạt, phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới xuất hiện dựa trên đề xuất, phát hiện của các thành viên Ban Chỉ đạo" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng như góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại; góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 17 FTA, chuẩn bị đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại song phương, đa phương. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với trên 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20. Trong đó, 15 FTA có hiệu lực, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả các thị trường Việt Nam có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, về chính trị, ngoại giao, việc tham gia các FTA góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2022, năm đầu tiên tất cả 15 FTA đã ký có hiệu lực thực thi, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, chiếm gần 64% kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy phần lớn dòng chảy thương mại của hàng hoá Việt Nam là với các đối tác FTA. Thương mại với các thị trường này là một trong những động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nước ta.
Tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA năm 2022 đạt 78,3 tỷ USD, tương đương 33,6% tổng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường này. Trong so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đây là tỉ lệ khá lạc quan.
Tuy nhiên, những hạn chế trong thực thi các FTA thời gian qua thể hiện trên một số mặt. Về tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA chưa có sự vượt trội so với một số thị trường chưa có FTA. Tỉ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2018 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021 và mới cải thiện chút ít với mức 33,6% năm 2022) và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng ưu đãi. Những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hoá các cơ hội tiềm năng từ FTA, khảo sát của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, doanh nghiệp lo ngại nhất là các biến động và bất ổn thị trường (46,8%), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%), bất cập trong tổ chức thực thi của FTA của các cơ quan Nhà nước (28,2%).
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu theo các FTA thế hệ mới đã vượt các FTA truyền thống cho thấy hướng đi đúng trong việc đa dạng hoá thị trường. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang có những vấn đề mới nổi lên với các tiêu chuẩn, quy định mới về bảo vệ môi trường, kỹ thuật số, năng lượng sạch…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được chính sách chủ động, chuẩn bị đầy đủ năng lực nhằm tận dụng được các FTA và hội nhập kinh tế hiệu quả.
"Thế giới đang đứng trước những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero)… từ đó, xác định cách tiếp cận phù hợp, biến các thách thức này thành lợi thế, cơ hội phát triển", Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế kết hợp với thực hiện các mục tiêu toàn cầu; thể chế hoá, tạo môi trường pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân ngang hàng với các đối tác quốc tế; lựa chọn những thương hiệu quốc gia để xây dựng thành thương hiệu quốc tế trên tinh thần "làm như thế giới ở trình độ cao, người dân Việt Nam cũng được hưởng thụ".
Từ lợi thế, kinh nghiệm thành công trong quá trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự chuẩn bị lộ trình, hoạch định của Nhà nước trong việc lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong hội nhập kinh tế quốc tế, để xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ thiên nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng nêu, sức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới không phải là ưu đãi về đất đai, thuế, nhân công giá rẻ mà là năng lượng tái tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, tài nguyên số, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thông qua trồng rừng, Net Zero…
Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là người trực tiếp thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay nhiều lĩnh vực kinh tế đã dựa trên trình độ công nghệ khác như năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh… Vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn lực FDI để đào tạo con người, thay đổi tư duy, nhận thức, phương thức làm việc, nắm bắt được công nghệ, mở ra những lĩnh vực mới dựa trên đầu tư công nghệ cao.