"Tích cực, quyết tâm, trách nhiệm" là nhận định của các đại biểu Quốc hội đánh giá về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương .
Chính nhờ sự nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành, doanh nghiệp, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán mốc kỷ lục mới, ước đạt 732,5 tỷ USD.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Thành tựu rất lớn đối với nền kinh tế
Với kết quả xuất nhập khẩu đạt được trong năm 2022 là thành tựu rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam và cũng là động lực lớn cho đất nước phát triển, vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa tạo việc làm và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại.
Đặc biệt hơn, trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phát triển là thành tựu đáng mừng. Điều này có được từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sư phối hợp, kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành nghề cùng các tỉnh, thành phố và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu, chúng ta phải xem xét, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng thị trường, nhằm dự báo những vấn đề sẽ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động này, để từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng, nhất là về phía các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu và chủ động hơn. Bởi, rất nhiều yếu tố bất định và bất thường sẽ xảy ra trong giai đoạn kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới có nhiều yếu tố biến động nhất sau khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các biến động nhỏ của kinh tế thế giới cũng có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước. Vấn đề xuất nhập khẩu liên quan đến chính trị và phục hồi kinh tế.
Một điểm các doanh nghiệp cần lưu ý hiện nay, đó là Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA… Đây là một cửa mở, giấy thông hành cho Việt Nam được vào các thị trường "khó tính". Nhưng để vào được các thị trường này, chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn theo mỗi FTA.
Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải có chỉ đạo, tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, phải xây dựng hệ thống sản xuất đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của các nước trong hiệp định; thứ hai, phải xác định nhóm ngành hàng chúng ta có lợi thế để đưa vào được các thị trường đó; thứ ba, công tác hỗ trợ, thúc đẩy, kết nối để mở rộng các thị trường; thứ tư, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Khẳng định vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương
Xuất nhập khẩu đã góp phần đưa kinh tế cả nước tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Điều này cho thấy những bước đi phù hợp, đúng đắn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã quan tâm đến những loại hình sản xuất, kinh doanh, những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, một mặt mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, thúc đẩy tái đầu tư, mua sắm thiết bị phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước, mặt khác nâng cao đời sống của nhân dân trên cơ sở tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương - cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu thời gian qua. Tất nhiên, để đạt được những kết quả như vậy còn có sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, sự quyết tâm của doanh nghiệp, người lao động và người dân, nhưng phải khẳng định rằng, Bộ Công Thương đã tích cực trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tìm kiếm các đối tác ở nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH Bắc Giang: Hướng tới xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa
Tôi cho rằng, xuất khẩu năm 2022 của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2021 là con số ấn tượng, ghi nhận nỗ lực của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế. Với kết quả này đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%), theo đó, ngành Công Thương đã làm tốt công tác điều hành các hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, đây là kết quả của các chính sách phục hồi tăng trưởng phát triển kinh tế sau đại dịch, khi mà chúng ta khống chế được dịch bệnh, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi thị trường.
Chúng ta có thể nhìn nhận nền kinh tế của Việt Nam đã phục hồi, thị trường được khôi phục, kể cả thị trường trong và ngoài nước. Đó là cơ sở duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu và với đà này xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn.
Việt Nam là một trong số quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, với việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi nhiều FTA. Điều này tạo ra nhiều động lực phát triển mới, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
Minh chứng rõ nét trong 2 năm gần đây (2020 - 2021), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao, năm 2020 đạt trên 545 tỷ USD, năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đến ngày 15/12/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 700 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết thúc đẩy xuất khẩu vẫn là sự nỗ lực của doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới. Ngoài ra, việc cung cấp và hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng mà Bộ Công Thương cần quan tâm trong thời gian tới.
Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển xuất nhập khẩu bền vững để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn