Hôm nay (20/9) tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội nghị Cơ hội và thách thức với nông sản chủ lực Đắk Lắk khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Cơ hội, thách thức và lợi ích khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Khuyến nghị về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phát biểu
- Về tình hình tham gia và ký kết các FTA của Việt Nam
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Về song phương, ta đã ký kết và thực thi FTA với Nhật Bản, Chi-lê và Hàn Quốc; về hợp tác nhiều bên, khu vực hoặc đa phương, ta đã ký kết và triển khai thực thi FTA với khối Kinh tế Á-Âu, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA); trước đó ta cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khuôn khổ ASEAN, ta đã cùng với các thành viên ASEAN ký kết một loạt FTA với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Niu-Di-lân và Hồng Công (Trung Quốc), đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP – giữa ASEAN với 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Di-lân), FTA song phương với Anh. Hiện nay, ta đang tiến hành đàm phán 2 FTA với Khối Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA – gồm 4 nước là Thụy Sĩ, Na-uy, Ai-xơ-len và Lích-xten-xtai),Israel và trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với một số chỉnh sửa phù hợp
Như vậy, cho đến nay, nước ta đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 14 FTA) và đang đàm phán 2 Hiệp định với các đối tác khác. Trong số các FTA này có 2 FTA thế hệ mới. Nếu kết thúc các FTA đang đàm phán, có thể nói Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới (trừ Hoa Kỳ), tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của nước ta. Các FTA nói chung, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu, rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi thế cạnh tranh lớn đối với hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với mức độ mở cửa thị trường lên tới hơn 90%, thủy sản, các mặt hàng thuộc ngành này sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Ca-na-đa và Nhật Bản. Một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa - những mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô - sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Gạo xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Ca-na-đa và Mê-hi-cô cũng là thị trường mới. khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, với mức độ mở cửa thị trường lên tới gần 100%, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%); gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm. Các mặt hàng xuất chủ lực khác của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản… cũng đạt được lợi thế cạnh tranh lớn hơn với ưu đãi về thuế quan. Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường xuất khẩu mới nhiều tiềm năng như Ca-na-đa, Ốt-xtrây-li-a…
- Những xu thế mới của hội nhập kinh tế quốc tế, đánh giá tác động và khuyến nghị về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới
Thực tiễn đất nước những năm 1980 đặt Đảng ta trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, trước hết là đổi mới tư duy. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình của đất nước, những sai lầm, khuyết điểm, nhận thức rõ hơn quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới. Đảng đã đặt ra nhu cầu phải đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, trong đó xác định phương hướng mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Có thể nói, việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Với tính biến động không ngừng của hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta đã liên tục đề ra những chủ trương hội nhập phù hợp cho từng thời kỳ. Cụ thể, trong giai đoạn mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, tại Đại hội VI, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Đây chính là phương hướng trước tiên nhất khởi đầu cho các chủ trương tiếp theo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Tới Đại hội VII, Đảng đã định hướng hội nhập theo hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng đã đánh dấu lần đầu tiên Đảng ta đặt trọng tâm chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò của hội nhập và đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Đồng thời, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC và các khuôn khổ hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế thông qua việc thực hiện nhiều hình thức hội nhập quốc tế; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy.
Có thể nói, từ một nước đi sau, chúng ta đã vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, từ thập niên 1990 đến nay, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới, trong đó có đóng góp quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam cùng Singapore thuộc nhóm nước xếp đầu về tỉ lệ đóng góp của thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế.
Hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu của thời đại. Một mặt, quá trình này góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, mặt khác giúp gia tăng sức mạnh tổng hợp, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình này không bằng phẳng và dễ dàng, mà luôn biến đổi cùng những thách thức, yêu cầu mới, đòi hỏi những người tham gia cuộc chơi phải khéo léo và thích nghi để thành công.
Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay mang tính đa phương, đa lĩnh vực từ thương mại truyền thống đến các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ…; đồng thời diễn ra ở mọi cấp độ từ khu vực, liên khu vực cho đến toàn cầu dẫn đến xu hướng đa trung tâm, đa tầng nấc và sự nở rộ của các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, cốt lõi của hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là xu thế chuyển dịch sang mô hình bền vững, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội và quyền con người.
Bên cạnh những yêu cầu mới, xu thế và diễn biến mới của hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Những năm gần đây, hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với xu thế bảo hộ ngày càng mạnh mẽ. Xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến cho nhiều quốc gia phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội, chấp nhận “đóng băng một số lĩnh vực kinh tế”, gây ra sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Cam kết mở của các sản phẩm nông sản chủ lực Đắk Lắk bà Trần Thị Thu Huyền nhấn mạnh, đã có mặt ở hơn 80 thị trường trên thế giới và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các sản phẩm như cà phê, cao su, tiêu, mật ong đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Eu. Tuy nhiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng nông sản tại Đắk Lắk không ổn định; hàng xuất khẩu nông sản chủ yếu là hàng sơ chế hoặc phải xuất qua nước trung gian, nên giá trị bị giảm đáng kể.
Ông Lê Thanh Hòa phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tham gia vào FTA là cơ hội để các sản phẩm nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Song để làm được điều này, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phải vá những lỗ hổng đang tồn tại.
“Các FTA mở ra cơ hội cho chúng ta phát triển thị trường cũng như nâng cấp hệ thống quản lý giám sát. Các thách thức thì đó là vấn đề quy định ngày càng cao và các nước người ta thay đổi các quy định ngày các chặt chẽ. Một vấn đề khó khăn cho chúng ta đó là năng lực cạnh tranh, nếu chúng ta không đáp ứng được chất lượng cũng như giá thành thì cũng sẽ rất khó cạnh tranh trong xuất khẩu. Một vấn đề nữa là chúng ta xây dựng thương hiệu, liên quan đến đặc sản của các địa phương, đối với Đắk Lắk là cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng thương hiệu gắn với địa lý, thì đây là những nội dung sẽ tạo nên giá trị gia tăng cho các sản phẩm” - ông Lê Thanh Hòa nói./.
Văn phòng BCĐLNKT