Hội nhập trong nước

Việt Nam là một trong số quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, với việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Điều này tạo ra nhiều động lực phát triển mới, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Khẳng định vai trò quan trọng

Trong suốt 71 năm hình thành và phát triển ngành Công Thương, công tác hội nhập kinh tế đã ghi nhận nhiều dấu ấn đậm nét, nổi bật là công tác đàm phán, ký kết các FTA và các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA, đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chính những FTA này đã tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

FTA: Xung lực cho nền kinh tế

Không chỉ tham gia đàm phán, ký kết các FTA, với thế và lực được củng cố trong các diễn đàn quốc tế, vai trò của nước ta trong hội nhập và đối ngoại quốc tế đã thay đổi rất lớn, từ chỗ chỉ tích cực tham gia trong các khuôn khổ hội nhập, cũng như trong các hợp tác quốc tế, thì nay chúng ta đã chủ động dẫn dắt. Việt Nam gần như đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, Bộ đã tích cực, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương ở tầm khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, WTO. Trong ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy để hình thành khuôn khổ mới cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ đó cũng kết hợp bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong một số lĩnh vực cụ thể. Hay phối hợp với nước chủ nhà và các thành viên APEC thúc đẩy chuỗi cung ứng vaccine; tích cực thảo luận về việc sớm ban hành các thủ tục đi lại an toàn trong khu vực APEC… Đàm phán thành công các cam kết trong WTO khi Anh rời EU, đảm bảo lợi ích cao hơn trước đối với mở cửa thị trường một số mặt hàng nông sản…

Hiệu quả cao

Theo TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, Việt Nam ngày càng có nhiều lợi thế từ hội nhập. Nhận thấy rõ nhất là thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA, Việt Nam đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

FTA: Xung lực cho nền kinh tế
Việc thực thi các FTA góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Minh chứng rõ nét trong 2 năm gần đây (2020 - 2021), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao, năm 2020 đạt trên 545 tỷ USD, năm 2021 vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. 4 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đạt hơn 240 tỷ USD, trong đó xuất siêu 2,53 tỷ USD.

Đáng chú ý, các FTA như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA đang được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả. Theo Bộ Công Thương, thương mại hai chiều Việt Nam - EU năm 2021 đạt 63,6 tỷ USD, tăng trưởng 14,8%. 4 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU cũng ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước (số liệu của Tổng cục Thống kê).

Không chỉ EVFTA, Hiệp định UKVFTA sau 1 năm thực thi cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh năm 2021 hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD sau khi bị giảm sút đáng kể trong năm 2019 - 2020. 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD. Đối với CPTPP, năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico cũng liên tục duy trì hai chữ số (xuất khẩu sang Canada tăng 19,5%, Mexico 46,1%). Thị trường tiềm năng và còn nhỏ như Peru, cũng tăng trưởng bất ngờ về kim ngạch xuất khẩu (tăng 84,3%)…

Ngoài ra, trong năm 2022, "siêu hiệp định" RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tiếp tục là một trong những xung lực hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể đi nhanh, đi xa thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

Năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... để hướng tới xuất nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Bích Ngọc, Văn phòng BCĐLNKT