Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cần giữ cho thương mại được thông suốt khi phát biểu tại phiên họp Bộ trưởng Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (nhóm Cairn)
Trưa ngày 12/6 theo giờ Geneva (Thuỵ Sĩ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự phiên họp Bộ trưởng Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (nhóm Cairns) bên lề Hội nghị Bộ trưởng (MC12) để thảo luận và thống nhất một số nội dung liên quan đến đàm phán nông nghiệp trong khuôn khổ WTO. Phiên họp được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrel.
Tham gia Phiên họp này có Bộ trưởng và Trưởng đoàn của 19 quốc gia thành viên, bao gồm: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Paraguay, Peru, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Uruguay, Việt Nam. Ukraine tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên.
Nhóm Cairns là một liên minh gồm 19 nước xuất khẩu hàng nông sản, chiếm 25% giá trị xuất khẩu nông sản trên thế giới, được thành lập tại thành phố Cairns, Australia năm 1986. Mục đích của Hội nghị Bộ trưởng nhóm Cairns là để các nước có cơ hội thảo luận và thống nhất những nội dung trọng tâm và ưu tiên trong đàm phán nông nghiệp, nhằm đạt được kết quả cụ thể tại Hội nghị Bộ trưởng MC12.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu lên 3 vấn đề được nhiều nước quan tâm và các Thành viên WTO cần ưu tiên hợp tác để giải quyết.
Thứ nhất, tình trạng áp dụng các biện pháp trợ cấp hoặc hỗ trợ trong nước có tính bóp méo thương mại, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng quan trọng như đường và các nông sản thiết yếu khác.
Thứ hai, việc áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt trong nông nghiệp dẫn đến việc bất bình đẳng trong thương mại nông sản.
Thứ ba, các biện pháp được một số nước áp dụng gần đây sau những căng thẳng địa chính trị và chuỗi cung ứng, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu và có thể dẫn đến một số phản ứng dây chuyền.
Bộ trưởng nhấn mạnh 2 mục tiêu chính mà các thành viên Nhóm Cairns nói riêng và các thành viên WTO nói chung cần đồng thuận trong thời gian tới là giữ cho thương mại được thông suốt, bất kể các khó khăn từ dịch bệnh hay địa chính trị và giảm thiểu các biện pháp mang tính bóp méo thị trường.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất việc cần nhau hợp tác để thúc đẩy đàm phán nông nghiệp trong WTO cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong thương mại hàng nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu như đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hàng nông sản, an ninh lượng thực, quan hệ giữa nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu v.v...
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố chung của Nhóm liên quan đến các cải cách WTO cần thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuyên bố chung nhấn mạnh MC12 phải mang lại một kết quả cụ thể và công bằng trong nông nghiệp. Kết quả này phải tạo cơ sở thống nhất cho các cuộc đàm phán sau MC12 nhằm đạt được những cải cách có ý nghĩa, đầy tham vọng và toàn diện, với sự đối xử đặc biệt và khác biệt là một phần không thể thiếu của các cuộc đàm phán này.
Các thành viên của nhóm họp cũng kêu gọi thành viên của MC12 tìm kiếm các giải pháp hướng tới việc khắc phục sự gián đoạn chuỗi cung ứng để khôi phục các dòng chảy thương mại nông sản bị ảnh hưởng.
Trước tình hình nông nghiệp thế giới đang bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, tuyên bố chung cũng tái khẳng định tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc duy trì thị trường nông nghiệp và thương mại công bằng, cởi mở và có thể dự đoán được để đảm bảo dòng chảy liên tục của lương thực cũng như các yếu tố đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và kêu gọi tất cả các Thành viên không áp đặt các rào cản thương mại phi lý và các hạn chế.
Các bộ trưởng tham gia phiên thảo luận cũng kêu gọi tất cả các Thành viên đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào được áp dụng là tạm thời, có mục tiêu, minh bạch, tương xứng, ít xuyên tạc nhất có thể và được áp dụng theo cách phù hợp với các quy định của WTO.