Hội nhập trong nước

Nhìn lại sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế quốc tế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao, thông qua việc nâng tầm hợp tác song phương và đa phương, đồng thời đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế.

Khẳng định vị thế

Từ chỗ bị bao vây kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đáng chú ý, nước ta đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (năm 2010, 2020), đảm nhận xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, 2002), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA - 2010, 2020), 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021), 2 lần là nước chủ nhà APEC (năm 2006, 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (năm 2019). Việc nắm giữ những vai trò quan trọng như vậy càng thể hiện rõ Việt Nam thực sự là một thành viên trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trái ngọt" ngoại giao đa phương

Lễ hạ quốc kỳ 5 nước Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng tích cực tham gia quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cũng như trong toàn bộ tiến trình thảo luận về xây dựng tầm nhìn APEC đến năm 2040, qua đó xây dựng, định hình cấu trúc và luật chơi kinh tế - thương mại. Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam đã chủ động đóng góp thiết thực vào các hoạt động đa phương tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng, Đối thoại Shangrila, Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh… để thúc đẩy lòng tin, ngăn chặn và đẩy lùi các mối đe dọa chung về an ninh, trong đó có cả vấn đề biển Đông.

Đặc biệt, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đường lối đối ngoại giai đoạn mới, Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui về đối ngoại đa phương, khi trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc như: Tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.

Đánh giá những "trái ngọt" của đối ngoại đa phương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho rằng, những kết quả trên là dấu mốc đáng tự hào, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đối ngoại đa phương thời kỳ hội nhập toàn diện, đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Đóng góp thiết thực và những cam kết mạnh mẽ

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cái "kết" đẹp nhất trong năm 2021 của đối ngoại đa phương chính là khoảnh khắc lễ hạ cờ quốc kỳ đánh dấu kết thúc 2 năm nhiệm kỳ của Việt Nam với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc giai đoạn 2020 - 2021.

Còn nhớ thời điểm cách đây 2 năm, với số phiếu ủng hộ 192/193, biển tên hai chữ "Việt Nam" đã chính thức được đặt trang trọng tại Phòng họp của HĐBA Liên hợp quốc, đây là niềm vinh dự và cũng là trọng trách lớn đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với thế và lực mới của đất nước, cùng sự nỗ lực cao và ủng hộ, hợp tác của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, sau 2 năm, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, "đáp" trọn lòng tin của Liên hợp quốc, bạn bè quốc tế. Việt Nam đã đóng góp trách nhiệm vào quá trình bàn thảo, tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn ngừa và khắc phục hậu quả xung đột, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cách tiếp cận toàn diện, nhân văn về con người, để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam.

Trái ngọt" ngoại giao đa phương

Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên, Chủ tịch nước Việt Nam đã tới thăm trụ sở Liên hợp quốc ở cả New York và Geneve, có cuộc hội kiến với lãnh đạo tổ chức này, cũng như với những cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Trong thông điệp nhân dịp Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Những nỗ lực của Việt Nam tại HĐBA Liên hợp quốc đã góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, hội nhập toàn diện của đất nước; nâng cao vị thế của Việt Nam, đưa quan hệ với các nước, đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Không chỉ là thành viên có trách nhiệm, đóng góp thiết thực, Việt Nam còn có những sáng kiến, đề xuất giải quyết những vấn đề toàn cầu. Điều này thể hiện rõ trong những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giảm mức phát thải khí nhà kính về "0" vào năm 2050, cắt giảm 30% khí mêtan vào năm 2030 so với năm 2020 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26). Những cam kết mạnh mẽ này đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điều này tiếp tục khẳng định thông điệp về một Việt Nam trách nhiệm, chủ động, tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Có thể nói, cùng với việc tích cực đưa ra sáng kiến, đề xuất giải quyết những vấn đề toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn của đường lối đối ngoại, cũng như chủ trương nâng tầm hiệu quả đối ngoại đa phương được đề ra trong Chỉ thị 25 và Đại hội Đảng lần thứ XIII. "Đây là những dấu ấn rất quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội trong nước giai đoạn mới. Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại" - Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nhận định.

Cùng với thành tựu của hơn 35 năm đổi mới và định hướng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, hy vọng rằng, Việt Nam sẽ từng bước vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình "luật chơi" tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT