Báo cáo này nhận xét Việt Nam là một câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn. Theo quan điểm của HSBC, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực. Quốc gia này không chỉ là một câu chuyện thành công về chuỗi cung ứng gia công với lợi thế về vị trí địa lý. Việt Nam đang thiết lập một động cơ tăng trưởng kinh tế nội tại, điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn theo đúng nghĩa của nó. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng đáng đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN sau Thái Lan. Điều này đồng nghĩa, các xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư khi vào Việt Nam.
Về cốt lõi, nhiệm vụ của các nhà đầu tư là xem xét sự tăng trưởng, rủi ro, chi phí vốn và tìm cách cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận tốt nhất có thể. Hệ thống tài chính hiện tại có quan điểm thấu hiểu nhưng khá hẹp về rủi ro và lợi nhuận, dựa trên việc siết chặt giá trị tài chính. Đối với đầu tư ESG, lợi nhuận cần được hiểu theo quan điểm của các bên liên quan khác nhau - chủ sở hữu công ty, nhân viên, người mua và nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng chịu tác động bởi doanh nghiệp - chứ không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán.
Khái niệm này hiện phổ biến tại các thị trường phát triển. Hiện nay, Mỹ và châu Âu đang đi đầu về xu hướng đầu tư ESG. Tại Mỹ, mức đầu tư ESG đạt 20% tổng số tài sản được quản lý chuyên nghiệp, tương đương với hơn 11 nghìn tỷ USD. Còn tại châu Âu, hiện con số này lên đến hơn 17 nghìn tỷ USD.
Đồng thời, ESG cũng đang trở thành 1 làn sóng mới tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo MSCI, 79% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng đầu tư vào ESG một cách đáng kể vào năm 2020 nhằm đối phó với những bất ổn của Covid-19 và 57% có kế hoạch đưa ESG ở mức độ lớn hơn vào phân tích và quy trình quyết định đầu tư của họ vào cuối năm 2021.
Wai-Shin Chan, Giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu và Giám đốc toàn cầu về Nghiên cứu ESG của HSBC, đã khẳng định sau khi cơ quan biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố báo cáo mới nhất của mình, trong đó tuyên bố rằng những ảnh hưởng của con người “rõ ràng” đã làm nóng bầu khí quyển, đại dương và đất liền. Ông cho rằng: “Các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi cao hơn từ các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải nhiều carbon, họ cần suy nghĩ lại về các mô hình và chiến lược kinh doanh; đối với các ngành công nghiệp, cần có các giải pháp giảm thải carbon cải tiến hơn; đối với tất cả các phân khúc của nền kinh tế, cần chuẩn bị cho các tác động của biến đổi khí hậu.”
Đối với các thị trường cận biên như Việt Nam, ESG có ý nghĩa rất quan trọng. Để duy trì mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ cần phát triển thị trường vốn của mình và vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đầu tư vào ESG, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung tạo ra tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi; tuy nhiên, các nhà đầu tư thường e dè do những lo ngại liên quan đến các báo cáo tài chính dưới chuẩn và những gì họ nhìn nhận là các quy định mâu thuẫn, một rủi ro đầu tư thường liên quan đến các thị trường cận biên. Các nhà đầu tư thường tính lợi nhuận cộng để bù đắp cho những yếu tố bất định này, nhưng khi việc công bố thông tin của doanh nghiệp được cải thiện, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tốt hơn.
Hiện nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ví dụ, quốc gia này là một trong những nước hưởng lợi lớn từ sự chuyển hướng chuỗi cung ứng của châu Á và cũng nhận được nhiều vốn FDI nhất ở ASEAN, sau Singapore, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Do các công ty toàn cầu tập trung ngày càng nhiều vào ESG và tính bền vững, họ đang đòi hỏi ngày càng nhiều các nguồn lực bền vững có chất lượng tốt ở các quốc gia nơi mình hoạt động.
HSBC đánh giá, các sáng kiến chống biến đổi khí hậu đang được thực hiện ở Việt Nam và các chương trình tài chính xanh vẫn còn đang non trẻ. Tuy nhiên, thị trường cận biên này đang dần bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội. Nhiều nhà đầu tư đã rất ngạc nhiên khi biết rằng Việt Nam đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và đang đi đúng hướng với việc đáp ứng khá nhiều trong số 17 mục tiêu phát triển bền cững của Liên hợp quốc.
Đơn cử, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo. Nhà phân tích Rahul Bhatia của Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng, Việt Nam có tiềm năng tốt nhất để đóng góp năng lượng tái tạo trên toàn khu vực ASEAN, với các khoản đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này.
Đinh Ngọc Hưởng, Ủy ban quản lý vốn